Theo dõi trên

Người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Sông Bình

17/07/2019, 09:28

BT- “Tôi phải giải quyết việc này, chặt hết dãy cây xem nó dám làm gì không”. Ông H - người có đất đang trồng cây ăn trái, nhưng bị những tán cây phía giáp ranh của nhà ông N che phủ, khiến sinh trưởng kém hơn hẳn cả đám. Ông hục hặc nói với vợ, rồi cứ thế cầm rựa đi thẳng về phía đám rẫy. Sợ chuyện chẳng lành, vợ ông H điện thoại ngay cho Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Đá Trắng (xã Sông Bình, huyện Bắc Bình) Lằm Chánh Vằn cầu cứu. Trời về trưa càng oi nồng, thêm lời qua tiếng lại giữa đôi bên khiến bầu không khí tại đám rẫy như muốn nổ tung. Cũng may 20 phút sau, ông Vằn có mặt kịp thời để xoa dịu tình hình. 

                
Ông Lằm Chánh Vằn đang nghiên cứu Luật Đất    đai để tuyên truyền cho bà con.

19 năm làm công tác Mặt trận thôn, chưa kể mấy năm trước đó giữ chức thôn trưởng, từ công to đến việc nhỏ mọi người lại gọi ông. Có thể là để trợ giúp hoặc cần thêm lời tư vấn, gửi gắm niềm tin với ông.

Đá Trắng là thôn nằm xa trung tâm xã Sông Bình. Tổng diện tích đất tự nhiên trên 700 ha, với 301 hộ/hơn 1.000 nhân khẩu, gồm bà con người dân tộc Hoa, Nùng, Tày, Kinh cùng sinh sống. Để bà con đồng thuận, ông Lằm Chánh Vằn (dân tộc Tày) đã tích cực phối hợp với các cấp ủy chi bộ, trưởng thôn, chi hội đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, vận động nhân dân giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống dân tộc. Nghe đơn giản vậy, nhưng đó là cả quá trình được ghi lại thành nhiều trang trong cuốn sổ lịch của vị trưởng ban Mặt trận thôn. Ông Vằn lấy ví dụ như việc vận động sinh con thứ ba. Bà con vẫn nghĩ “Trời sinh voi, sinh cỏ”, con họ sinh thì họ nuôi… Cách tiếp cận, tuyên truyền tốt nhất là dẫn chứng những hộ sinh ít con sẽ có cuộc sống đầy đủ và điều kiện để chăm lo cho các cháu ăn học đàng hoàng. Thậm chí khi chia tài sản là đất đai, đông con thì diện tích sẽ ít đi, lại không có thời gian để làm kinh tế. Sau đó sẽ rà soát nhà nào có 2 con và sinh một bề là ban điều hành thôn tới nhà “nói chuyện” ngay. Cứ thế “mưa dầm thấm lâu”, năm 2018 chỉ để xảy ra 2 trường hợp do vỡ kế hoạch, còn từ đầu năm đến nay thì chưa có vi phạm. Hay sự việc đất đai kể trên thì không chỉ nói về tình mà còn phải dùng luật để phân tích cho bà con.

“Muốn tuyên truyền cho bà con thì trước tiên gia đình mình phải gương mẫu”. Với suy nghĩ đó, năm nay đã 62 tuổi nhưng ông Vằn vẫn hăng say lao động, phát triển kinh tế. Hiện gia đình ông đang trồng hơn 2 ha cây ăn trái gồm mít, xoài, chuối, tre lấy măng cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Ông sẵn sàng chia sẻ với bà con kiến thức nông nghiệp mà mình biết và đang áp dụng. Bên ly trà, những câu chuyện về sản xuất, về luật pháp và các chủ trương của Đảng, Nhà nước cứ thế gần gũi, thấm dần trong suy nghĩ và nhận thức của bà con. Trong giọng kể của ông Vằn chất chứa sự tự hào khi thu nhập của người dân ở Đá Trắng mấy năm gần đây tăng khá, bình quân 27 triệu đồng/người/năm. Thôn không có trẻ suy dinh dưỡng, học sinh ra lớp 1 đúng độ tuổi, an ninh trật tự ổn định. Nhiều tuyến đường qua thôn đã được bê tông hóa, có cầu đi lại thuận tiện. Ngoài sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, thì người dân có ý thức hơn trong việc đóng góp công, góp của để cùng thực hiện.   

Tuy nhiên một trong những khó khăn hiện nay của thôn là thiếu nước sạch. Hằng ngày bà con vẫn phải lấy nước sông, suối để lắng rồi nấu ăn, tắm giặt. Trong khi chờ được đầu tư, ông Vằn cùng Ban điều hành thôn vận động bà con thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng và thường xuyên đốt rác sinh hoạt để giữ gìn vệ sinh môi trường và nguồn nước.

Vui mừng vì đời sống của đồng bào thôn Đá Trắng từng bước ổn định, đoàn kết, Chủ tịch UBND xã Sông Bình Lê Trường Long đánh giá cao vai trò của ông Lằm Chánh Vằn, cho rằng: Ông Vằn đã phát huy vai trò người có uy tín khi làm cầu nối giữa nhân dân với các cấp, các ngành. Bằng cái tâm, nhiệt tình, trách nhiệm và gần gũi, chia sẻ với bà con nên đa số hộ đã hiểu, ủng hộ phong trào và có nhiều việc làm thiết thực xây dựng quê hương.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Sông Bình