Theo dõi trên

Ôi sinh viên

12/07/2019, 08:52 - Lượt đọc: 6

BT- Nhân trò chuyện với mấy giảng viên trường đại học, một thầy phàn nàn, có phụ huynh gọi điện thoại lên khoa, hỏi con tôi hôm nay có đến lớp học không, mà sinh viên năm thứ 2 rồi đấy. Một cô khác ngồi bên nói, cả năm nhất, năm ba  đều có những hiện tượng đó! Gợi tôi nghĩ về hệ quả xuất phát từ cách giáo dục gia đình là chính.

                
Ảnh minh họa

Cũng là giáo dục

Từ chuyện trên, tôi nhớ hồi năm 2012, Trường THPT Phan Thiết có mời tôi dự một số buổi do tình nguyện viên người Anh (theo tổ chức tình nguyện viên toàn cầu LATTITUDE) dạy để bổ sung kỹ năng nghe nói cho giáo viên của trường, tên Joseph Colin Howarth (SN 1994), vừa mới học xong chương trình phổ thông (lớp 12), trước khi vào đại học, cần phải có chứng nhận trải nghiệm thực tế, Joseph tự viết đơn xin làm tình nguyện viên sang Việt Nam. Khi tiếp xúc, tôi bất ngờ vì thấy mọi thao tác trong ứng xử của Joseph rất linh hoạt. Tìm hiểu phía nhà trường, học sinh rất thích những giờ tiếp xúc với Joseph lên lớp. Lại một chuyện nữa, anh bạn có đứa cháu mới học hết lớp 4 ở Mỹ, dịp hè, nó rất muốn về Việt Nam thăm ông bà, nhưng cha mẹ nó chưa xin công ty để nghỉ phép được, nhưng họ quyết định cho con về thăm, chỉ có cái ba lô chưa tới 10 kg, một mảnh giấy ghi những yêu cầu nơi đến bằng hai thứ chữ (Anh – Việt). Với phương tiện giao thông liên lạc bây giờ, nó vẫn đi đến nơi về đến chốn. Còn ở xứ mình, lại có những cha mẹ gọi điện lên khoa hỏi con mình có đến lớp học không? Có trường hợp kiểm tra thấy con họ vắng, thế là họ đến trường gây sự.

 Bởi họ không cần tìm hiểu để biết

Chúng tôi nghĩ có hiện tượng này trước tiên là do hệ quả giáo dục gia đình mới đến nhà trường. Trong thực tế, người lớn không nghiên cứu nắm bắt được những yêu cầu phát triển tự nhiên của trẻ, nên không đặt niềm tin vào chúng, luôn kèm cặp chúng hướng theo ý muốn của mình. Trong khi giáo dục thế giới đã vươn đến tầm cao, thực hiện một nền giáo dục hòa bình nhân loại, nhằm để cho cá thể phát triển theo hướng tự nhiên với năng lực và sở thích của nó, để nó tương tác với những sự vật, sự việc chung quanh, từ đó làm cho bản thân nó tự thích nghi, hợp tác với chính quan hệ tình yêu của nó. Một nhà tâm lý giáo dục từng nêu ý kiến: “Tình yêu thúc đẩy đứa trẻ không phải đến sở hữu một sự vật mà là đến công việc nó có thể làm với vật ấy. Và khi công việc bắt đầu trong một môi trường nào đó, sự liên kết với những kẻ đồng loại của mình sẽ bắt đầu, bởi không ai có thể làm việc một mình. Và đời sống diễn biến như thế: Một hình thức lao động thú vị xuất hiện, nó tăng cường giá trị của tính cá nhân, và điều này ngược lại vinh danh cái nhân vị cá thể. Nhưng nếu điều này không xảy ra – nếu có điều gì ngăn chặn cá nhân không được hành động – nó bắt đầu muốn chiếm hữu tất cả những gì ở quanh nó. Thay vì làm việc với người khác, nó quay ra gây gổ với họ. Hệ lụy của mối liên kết với người khác không phải là sự hợp tác mà là sự xung đột”(1). Nếu trong giáo dục từ gia đình đến nhà trường phổ thông quan tâm thực hiện được sự thúc đẩy kết nối tình yêu tự nhiên của con người ngay từ tấm bé, thì cá nhân ấy sẽ phát triển bình thường cho đến khi lớn lên, tình yêu ấy sẽ liên kết từ sự vật này đến những sinh vật khác. Khi nghiên cứu thực trạng tâm lý trẻ, cho thấy rằng, có “hai con đường mở ra trong sự phát triển nhân cách – một đường dẫn đến con người yêu thương và đường kia dẫn đến con đường chiếm hữu. Một dẫn đến con người đã đạt được sự độc lập của mình và làm việc trong hài hòa với kẻ khác, còn đường kia dẫn đến con người nô lệ, trở thành tù nhân của các sự chiếm hữu của nó khi nó cố tự giải thoát bản thân và thành kẻ thù của đồng loại”(2). Họ cho rằng: “Tình yêu này không phải là cái gì được dạy cho; nó là một hệ quả do sống một cuộc đời đúng nghĩa”(3). Như thế, giáo dục chúng ta đã giúp cho trẻ phát triển để “sống một cuộc đời đúng nghĩa” của chúng chưa? Không làm được điều đó, mới có những hệ lụy đáng tiếc xảy ra, nhưng không nhận ra chính bản thân mình trong phương pháp giáo dục con cháu, dẫn đến bất lực, rồi tức giận trước những phản ứng ngược lại của chúng, không tìm hiểu để tự trách mình, ngược lại đem gán trách nhiệm cho người khác.

Từ đó dễ nhận thấy, cũng chỉ bởi áp đặt trong giáo dục, làm cho trẻ mất hết tính tự nhiên phát triển, để chúng tìm cách từ chối, dẫn đến phản ứng ngược, biểu hiện sống không thật, cha mẹ kiểm soát trong bất lực. Đó là điều chúng tôi muốn nêu lên để cùng suy ngẫm.

Võ Nguyên

(1), (2), (3). Nguồn: “Giáo dục và Hòa bình” của Maria Montessori – Nghiêm Phương Mai dịch, NXB Đà Nẵng, 2018.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ôi sinh viên