Khám phá đỉnh Nọc Trù - Tà Cú
Khám phá đỉnh Nọc Trù - Tà Cú
BT- Nằm ở vị trí trung tâm thị trấn
Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, ngọn núi Tà Cú uy nguy, sừng sững giữa đất trời
và trở thành một danh thắng nổi tiếng của vùng đất Bình Thuận. Khí hậu nơi đây
luôn ôn hòa, những ngày mây mờ bao phủ đứng trên núi ta có thể cảm nhận được
từng làn sương đang lướt qua nhè nhẹ rất tuyệt vời. Núi Tà Cú nằm trong Khu Bảo
tồn thiên nhiên Takou, do đó có một hệ sinh thái động, thực vật phong phú, đa
dạng. Khám phá hệ sinh thái Tà Cú và chinh phục đỉnh núi có tên Nọc Trù ở độ cao
694m là một trải nghiệm cực kỳ thú vị cho những ai đam mê du lịch khám phá và
chinh phục thiên nhiên. Tôi may mắn khi được một lần theo đoàn khảo sát bảo tồn
chinh phục đỉnh núi Nọc Trù, được trải qua một chuyến khám phá khó quên.

“Không lấy đi gì ngoài những bức
ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân” một thông điệp được nhân viên Khu Bảo
tồn thiên nhiên Takou truyền đạt trước khi bắt đầu hành trình, môt câu nói đầy ý
nghĩa, thể hiện sự tôn trọng văn hóa, sự giữ gìn thiên nhiên, môi trường ở những
nơi đi qua. Hy vọng với những ai đã đặt chân đến Tà Cú và khám phá thiên nhiên
núi rừng nơi đây sẽ thực hiện tốt phương châm trên để sắc xanh của núi và vẻ đẹp
vốn có của hệ sinh thái nơi đây được bảo tồn. Để lên được đỉnh Nọc Trù có 2 cách
di chuyển, chúng ta có thể xuất phát đi bộ từ chân núi, hoặc muốn trải nghiệm
cảm giác lướt trên ngọn cây khi đi cáp treo, lên chùa Linh Sơn Trường Thọ ở độ
cao 475m sau đó bắt đầu xuất phát.
Theo chân các anh nhân viên bảo tồn,
chúng tôi bắt đầu hành trình từ chùa Linh Sơn Trường Thọ, đi dưới những tán cây
cổ thụ là nơi rừng tập trung nhiều loài cây họ dâu tằm như “sanh-si-sung-sộp”,
những loài cây này có quả là thức ăn ưa thích của các loài linh trưởng. Hiện nay
trong khu bảo tồn có 6 loài linh trưởng là khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi
lợn, culi nhỏ, chà vá chân đen và voọc bạc Trường Sơn. Nếu may mắn trên chuyến
đi có thể bắt gặp các loài linh trưởng đang kiếm ăn. Rất tiếc, hôm chúng tôi
khảo sát thì nhân viên khu bảo tồn cho biết khả năng quan sát ngắm linh trưởng
rất khó, vì loài linh trưởng chưa quen với người, khi di chuyển có tiếng động
nên linh trưởng dễ phát hiện và lẩn trốn nên không quan sát được, do đó đành
ngậm ngùi nuối tiếc.
Mặc dù không quan sát được linh
trưởng nhưng chúng tôi được các anh trong đoàn đã giới thiệu khám phá đa dạng
thực vật trên núi, các anh cho tôi biết được một số loài thực vật có công dụng
tốt trong chữa bệnh cũng như có ích trong đời sống của người dân. Như loài mộc
bá huê là một loại thực vật sống ký sinh trên các cây gỗ và rễ của những cây
khác - một dạng sâm có tác dụng bổ thận, mát gan, nhuận tràng rất tốt. Dây đỗ
trọng còn gọi là đỗ trọng nam, chữa phong thấp, đau lưng, mỏi gối, thận hư,
sưng, tê phù, huyết áp cao và cây thần xạ hương trị phong thấp, đau bụng. Cây
mật nhân có các cuống lá khi rụng xuống sẽ để lại trên thân những dấu hình sọ
người và lá có vị rất đắng nên có tên là mật nhân, còn được gọi là cây bá bệnh.
Với những ai yêu lan thì càng say mê
chuyến khám phá vì trên đường đi sẽ bắt gặp rất nhiều khóm hoa lan bầu rượu
(thạch lan): Loại lan sống len giữa tảng đá nên gọi là thạch lan, đặc điểm là
giảm hết lá trước khi ra hoa, các gốc tạo thành hình bầu rượu, khoảng thời gian
gần tết lan bắt đầu đơm hoa. Trên đường đi sẽ thấy được nhiều loài phong lan, hổ
bì, tiêu rừng, dứa rừng, nấm sẽ làm cho chúng ta thích thú, ngạc nhiên khi trông
thấy chúng. Một điểm thú vị của hành trình là khi chúng tôi được giới thiệu về
loài dây giữ nước, một loại dây vào mùa mưa sẽ tích trữ nước bên trong thân, dây
tích nhiều nước khi những người đi rừng khát nước họ thường chặt dây giữ nước để
uống, nước bên trong dây có vị mát, ngọt. Giúp những người đi rừng qua cơn khát.
Các cây gỗ trong rừng đẹp, bộ rễ rủ xuống thành những dây chắc chắn, hình dáng
kỳ lạ, vô cùng độc đáo.
Khu vực đỉnh Nọc Trù là một rừng tre
xanh, đây là nơi điển hình của kiểu rừng hỗn giao. Vượt qua những đoạn đường đá
dốc, dây leo, đi giữa rừng lồ ồ và qua những đoạn dốc khá nguy hiểm, hòa mình
với thiên nhiên, chúng tôi đến đỉnh Nọc Trù và được nghe giới thiệu về độ cao
tuyệt đối của đỉnh núi, quan sát mốc tọa độ được xây dựng nơi đây vào những năm
1980 và ngắm khung cảnh từ trên đỉnh núi cao.
Chuyến chinh phục đỉnh Nọc Trù đã
giúp tôi cảm nhận và trải nghiệm vẻ đẹp cảnh sắc rừng nguyên sinh của Tà Cú.
Những mệt nhọc của đoạn đường gian nan nhường chỗ cho những ngạc nhiên, thích
thú trước những điều mới mẻ, lý thú trong tự nhiên và vẻ đẹp hoang dã của nơi
đây, niềm vui sướng khi vượt qua đoạn đường khó, len lỏi, luồn lách dưới những
tán rừng và chinh phục được đỉnh Nọc Trù.
Nguyên Thiện