Dự án hồ chứa nước Sông Lũy
Dự án hồ chứa nước Sông Lũy: Khó khăn giải phóng mặt bằng, bố trí vốn
BT- “Nếu mặt bằng không được bàn giao đúng thời gian, sẽ không đủ vật liệu để
đắp đập. Theo đó, thời gian thi công và hoàn thành kế hoạch phải kéo dài đến năm
2021”, đại diện chủ đầu tư dự án hồ chứa nước Sông Lũy cho biết.
Vướng mặt bằng
Theo Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng
Thủy lợi 7 (Ban 7), chủ đầu tư công trình hồ chứa nước Sông Lũy, mục tiêu năm
2019 của công trình là xây dựng đập chính, hoàn thiện cống lấy nước sinh hoạt
(cả ống dẫn sau đập); cống thủy lợi, cửa vào và thân cống thủy điện… Từ đầu năm
đến nay, đơn vị đã thi công xong gói thầu số 14 về rà phá bom mìn, vật nổ và gói
thầu số 16 về xử lý mối; thi công xây lắp cụm công trình đầu mối; các đường thi
công nội bộ và đường quản lý số 2; các công trình phụ trợ, đường điện 22 kV và
trạm biến áp phục vụ thi công và vận hành công trình…
Ông Nguyễn Đình Thắng - Giám đốc Ban
7 cho biết, mặc dù đơn vị đã cử cán bộ thường xuyên liên hệ và hỗ trợ UBND huyện
Bắc Bình trong giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay UBND huyện mới bàn giao
cho Ban 7 được 78,8/80 ha mặt bằng khu vực xây dựng công trình đầu mối và 82,76
/107 ha các mỏ vật liệu. Hiện còn vướng 15 hộ dân đang có đơn khiếu kiện, không
cho nhà thầu vào lấy đất; mặt bằng bàn giao dạng “da báo” nên không thể triển
khai thi công. Diện tích khu vực lòng hồ cơ bản chưa bàn giao… Theo tiến độ đề
ra, công trình sẽ chặn dòng vào tháng 1/2020 và hoàn thành trước ngày 31/12/
2020, trong khi khối lượng công việc còn rất lớn… Do đó, để đảm bảo đủ thời gian
thi công hoàn thành công trình vào cuối năm 2020, phù hợp với vốn trung hạn 2016
- 2020, Ban 7 đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo huyện Bắc Bình và các ngành chức năng
liên quan khẩn trương thực hiện giải phóng mặt bằng theo các mốc thời gian cụ
thể.
Về phía huyện Bắc Bình, ông Nguyễn
Văn Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, có khoảng 15 hộ ngăn cản trên phần
diện tích đất do UBND xã Phan Lâm quản lý, thuộc dự án Phan Rí - Phan Thiết từ
năm 2008 - 2012. Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã mời đơn vị đo đạc cùng
các hộ dân tổ chức đo đạc xong đất của 15 hộ này, làm cơ sở chuyển xã Phan Lâm
kiểm tra, xác minh cụ thể nguồn gốc đất.
Tập trung giải
quyết các vướng mắc
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê
Tuấn Phong đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tiến độ triển khai thực hiện công
tác đền bù giải tỏa và kết quả rà soát nguồn vốn đền bù công trình hồ chứa nước
Sông Lũy. Theo đó, từ đầu năm đến nay, huyện Bắc Bình đã phê duyệt phương án bồi
thường 68,93 tỷ đồng/41 hộ/ 80 ha. Lũy kế phê duyệt từ đầu dự án 277,4 tỷ đồng/
324 hộ/558 ha. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn một số vướng mắc
thuộc khu vực đầu mối; 72 mồ mả/38 hộ tại khu vực đập đất chưa di dời. Bên cạnh
đó, do diện tích đất nông nghiệp phải bồi thường sau khi đo đạc của huyện theo
thiết kế được duyệt tăng lên 905,5 ha, nên nhu cầu nguồn vốn để thực hiện đền bù
giải phóng mặt bằng là 497,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 20,7 tỷ đồng
thuộc nguồn vốn đã bố trí…
Ông Lê Tuấn Phong yêu cầu UBND huyện
Bắc Bình phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ban 7 khẩn trương giải quyết
các vướng mắc liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, nhằm đảm bảo tiến độ
dự án. Trong đó, tập trung giải quyết vướng mắc tại các hộ thuộc khu vực đầu
mối, đường vào bãi vật liệu và di dời mồ mả tại khu vực đập đất. Sớm hoàn chỉnh
hồ sơ di dời hạ tầng lưới điện giai đoạn 1 và một phần của giai đoạn 2. Lưu ý
huyện Bắc Bình trong quá trình triển khai thực hiện các khâu giải phóng mặt
bằng, cần đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Ban 7 hoàn chỉnh việc xây
dựng phương án thi công để UBND tỉnh tham gia góp ý trước khi trình Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn.
K.Hằng