Bạo lực gia đình và xâm hại trẻ
Bạo
lực gia đình và xâm hại trẻ em
Bài 1:
Không còn chuyện riêng mỗi nhà
BT- Bạo
lực gia đình và xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của
toàn xã hội, khi số vụ và hành vi các đối tượng có tính chất dã man hơn. Dù đã
có nhiều chủ trương, chính sách, luật bảo vệ đối tượng yếu thế này nhưng tình
trạng bạo lực trong gia đình chưa có nhiều thay đổi. Vậy giải pháp nào để đưa
các văn bản quy phạm pháp luật bảo vệ phụ nữ và trẻ em đi vào chiều sâu…
 |
Sinh hoạt, tuyên truyền Luật phòng chống
BLGĐ cho phụ nữ. |
Những con số báo
động
Báo cáo tổng kết 10
năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) của UBND tỉnh, từ năm
2008 – 2018 cho biết, toàn tỉnh đã xảy ra 11.388 vụ bạo lực gia đình/11.711 nạn
nhân, trong đó 8.036 trường hợp phụ nữ bị bạo lực và 1.924 vụ là trẻ em. Riêng 6
tháng đầu năm 2019, xảy ra 21 vụ xâm hại trẻ em, tăng 8 vụ so cùng kỳ năm ngoái.
Lực lượng công an đã điều tra làm rõ 19 vụ, bắt 19 đối tượng. Đáng báo động mức
độ vi phạm của các đối tượng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Với chức năng bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, Hội LHPN tỉnh đã có nhiều hoạt động thể
hiện quyết tâm và hành động trong việc giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình.
Trong đó chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể mở hàng trăm lớp tuyên
truyền, hội thảo, hội thi, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho các ông bố, bà mẹ về
chăm sóc, giáo dục trẻ em, phòng chống xâm hại tình dục, tự biết bảo vệ bản
thân; tổ chức giám sát các nội dung liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Xây dựng 78
câu lạc bộ/tổ phụ nữ tuyên truyền pháp luật, phụ nữ với pháp luật tại địa bàn
dân cư, 576 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 151 tổ phòng chống BLGĐ, 25 câu lạc bộ
nói không với BLGĐ với hàng nghìn thành viên tham gia. Nhờ vậy trên 830 vụ mâu
thuẫn gia đình đã được hòa giải và hơn 1.500 nạn nhân bị bạo hành được giúp đỡ,
tư vấn.
Tuy nhiên vấn đề BLGĐ
vẫn hết sức phức tạp, bởi số liệu thống kê trên là theo báo cáo từ cơ sở, thực
tế chắc chắn sẽ nhiều hơn. Còn đối với những kẻ thú tính gây ra các vụ xâm hại
trẻ em, giờ đây không chỉ người lạ mà còn cả những người thân trong gia đình,
người quen của nạn nhân. Đây là một hiện tượng suy thoái về đạo đức, suy đồi về
nhân cách và sự lệch lạc trong nhận thức, lối sống.
Không còn là
chuyện riêng
Việc thành lập ra các
mô hình, câu lạc bộ phòng chống BLGĐ liệu có đủ, nếu như bản thân các đối tượng
bị bạo hành và xâm hại không dám lên tiếng, đấu tranh. Nếu bỏ qua lý do trình độ
học vấn thấp, công ăn việc làm không ổn định, thiếu hiểu biết về pháp luật, lạm
dụng rượu bia và các tệ nạn xã hội khiến số vụ BLGĐ có chiều hướng gia tăng. Một
yếu tố không kém phần quan trọng là do hành vi BLGĐ xảy ra trong nội bộ gia đình
nên các nạn nhân thường chọn giải pháp im lặng, không tố cáo dẫn đến số vụ phải
điều tra truy tố, xét xử còn ít. Giữa các đối tượng có quan hệ tình cảm gia đình
nên khi cơ quan điều tra vào cuộc thì lại rút đơn hoặc thay đổi lời khai nhằm
giảm nhẹ hình phạt.
Riêng các vụ việc xâm
hại trẻ em, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Ngô Văn Duy nhìn
nhận: Chính sự sợ hãi, thiếu hiểu biết, sợ bị kỳ thị là rào cản khiến các em khó
chia sẻ, tâm sự với người thân khi mình bị lạm dụng. Bên cạnh đó, kẻ phạm tội
thường uy hiếp, đe dọa tinh thần khiến các em chỉ biết im lặng và chịu đựng.
Việc tố cáo, trình báo sự việc còn chậm, vì đây là vấn đề nhạy cảm nên người
thân muốn giữ kín, sợ ảnh hưởng đến các em, càng khiến đối tượng có cơ hội thực
hiện hành vi phạm tội với những trẻ khác. Phần lớn bị hại còn nhỏ tuổi, nhận
thức chưa đầy đủ nên không thể nhớ chính xác những vấn đề liên quan của vụ việc
dẫn đến không cung cấp đầy đủ thông tin, khó có căn cứ khởi tố bị can. Thậm chí
có trường hợp hai bên tự thương lượng, thiếu hợp tác với cơ quan điều tra.
Đồng quan điểm trên,
Trung tá Nguyễn Thị Hương – Hội Phụ nữ Công an tỉnh cho rằng: Ngoài tác động của
mặt trái xã hội, yếu tố gia đình thì công tác vận động, tuyên truyền, phát động
phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhiều nơi chưa hiệu quả. Việc nắm bắt
tình hình và giải quyết mâu thuẫn ở cơ sở chưa kịp thời và quản lý đối tượng
hình sự về cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, tội xâm hại danh dự
nhân phẩm người khác chưa tốt.
Phó Giám đốc Sở Giáo
dục và Đào tạo Nguyễn Thị Toàn Thắng cũng thừa nhận trách nhiệm khi việc giáo
dục học sinh ở nhiều trường chỉ mới chú trọng đến giảng dạy kiến thức, ít quan
tâm giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho các em. Chưa thật sự nắm bắt tâm sinh lý, tư
vấn giáo dục đạo đức lối sống học sinh một cách hiệu quả thông qua các hoạt động
ngoài giờ.
Thùy Linh