Theo dõi trên

Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Đề thi và đáp án môn ngữ văn

05/07/2019, 08:48 - Lượt đọc: 480

BT- Kỳ thi THPT quốc gia 2019, đề môn ngữ văn có nhiều ý kiến, cả khen lẫn chê. Bởi bộ môn này, ai biết đọc cũng có thể tham gia bình phẩm. Riêng tôi, năm nay, sau khi đọc đề, chờ đáp án chính thức của bộ công bố, xem người ra đề giải thế nào về nội dung những câu lệnh yêu cầu học sinh làm bài.

 Không nên đặt câu hỏi trùng lặp nội dung trong một đề thi

Phần đọc hiểu, trích đoạn thơ trong bài “Trước biển” của Vũ Quần Phương, nêu 4 câu hỏi, trong đó nội dung câu thứ 4: “Hành trình theo đuổi khát vọng của con người được thể hiện trong đoạn trích gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?”. Tiếp theo phần làm văn – câu 1 (2 điểm), yêu cầu: “Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống.” Như vậy, yêu cầu ở nội dung câu 4 (phần đọc hiểu) trùng lặp qua nội dung yêu cầu của câu 1 (phần làm văn). Điều đó làm cho học sinh lúng túng, bởi nội dung đoạn thơ bộc lộ rất rõ về khát vọng chinh phục thiên nhiên, thể hiện sức mạnh ý chí của người lao động biển, dẫu phải đối đầu với bao gian khó, hiểm nguy – giữa sự sống và cái chết. Nội dung này đều nằm trong yêu cầu của 2 câu hỏi trên. Tại sao không tìm một câu hỏi khác, tránh sự trùng lặp, bởi từ đoạn thơ, thiếu gì nội dung để đặt câu hỏi cho học sinh làm bài!

 Nội dung đáp án cần sát hợp với yêu cầu đề ra

Câu 2 phần làm văn, trích đoạn trong bài ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, từ “Trong những dòng sông đẹp nhất ở các nước mà tôi thường nghe nói đến…” cho đến “… đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng”. Câu hỏi yêu cầu học sinh làm bài: “Cảm nhận của anh/chị về hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường.” Ở đây, chúng tôi chú trọng đến yêu cầu của đề về “cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông”. Đáp án hướng dẫn chấm bài của học sinh như sau: “Nhà văn nhìn dòng sông không chỉ như một dòng chảy tự nhiên mà còn như một con người với vẻ đẹp tâm hồn sâu thẳm, đầy nữ tính, không chỉ khám phá hành trình đầy biến hóa mà còn khẳng định vai trò sinh thành văn hóa Huế của dòng sông.” Hướng dẫn chấm như thế lại rơi vào phân tích thủ pháp nghệ thuật – biện pháp nhân hóa, mà tác giả đã biểu đạt, miêu tả dòng sông như một sinh thể có hồn, cho sinh động, chứ chưa phải “tính phát hiện” về dòng Hương giang. Theo chúng tôi, “tính phát hiện” của nhà văn tập trung ở chỗ, vì sao ở thượng nguồn “giữa bóng cây đại ngàn” nó “rầm rộ”, “mãnh liệt”, “cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực đầy bí ẩn”, đến khi “ra khỏi rừng, sông Hương mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”. Và tác giả đã nêu: “Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lý giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình khi ra khỏi rừng”. Tác giả phát hiện ra “sự cấu trúc” “đầy bí ẩn”, của “rừng già”, muốn biết sự “bí ẩn” đó phải tìm chiếc “chìa khóa … dưới chân núi Kim Phụng” kia mở ra, khám phá mang tính khoa học. Khi đọc đề, chúng tôi nghĩ người ra đề yêu cầu học sinh khá giỏi phải sử dụng kiến thức tích hợp liên môn (văn – địa lý) để làm bài, nói về những “cấu trúc đặc biệt” ở thượng lưu, trung lưu, hạ lưu của những dòng sông – trong đó có sông Hương. Sự cấu trúc tự nhiên ở thượng nguồn của những dòng sông cực kỳ quan trọng, nhờ “sự cấu trúc” đó nên nó đã điều hòa nhịp độ lưu lượng nước theo mùa, tạo ra sự cân bằng môi trường sinh thái. Không riêng nước nào, trên thế giới, đều có những khu rừng cấm quốc gia đầu nguồn. Nếu phá vỡ cấu trúc địa lý tự nhiên đó thì không biết bao tai họa ghê gớm sẽ giáng xuống với đời sống con người. Ngòi bút nhà văn với chức năng dự báo: nguy cơ phá hoại rừng cấm đầu nguồn có thể xảy ra, và nhằm cảnh báo, muốn giữ được sự lâu dài – trường tồn, cho “sông Hương mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở” thì phải bảo vệ cho được “sự cấu trúc đặc biệt” của tự nhiên đã sắp xếp ở đầu nguồn – xem như tạo hóa ban cho dòng sông Hương, tặng cho người dân xứ Huế nói riêng và cả du khách nói chung, có điều kiện để chiêm ngưỡng, thưởng thức “sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ” diệu kỳ của nó. 

Điều đó cho thấy, ra đề là chuyện rất khó, nhưng làm đáp án ở bài nghị luận để phân loại đối tượng học sinh lại càng khó hơn.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Đề thi và đáp án môn ngữ văn