Theo dõi trên

Không thể “bịt mắt bắt... tham nhũng” được

28/06/2019, 15:25 - Lượt đọc: 93

BTO- Từ ngày 1/7 tới, Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 20/11/2018 sẽ có hiệu lực thi hành. So với các Luật PCTN trước đó thì Luật PCTN 2018 có nhiều quy định chặt chẽ hơn trong việc kê khai tài sản, thu nhập cán bộ - công chức.

Trước hết luật mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản. Trước đây đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập chỉ gói gọn ở “một số cán bộ, công chức”, nay mở rộng và chi tiết là: cán bộ, công chức, sĩ quan CAND, sĩ quan QĐND, quân nhân chuyên nghiệp, người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, DNNN, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, người ứng cử ĐBQH, HĐND.

Thứ hai là thêm nhiều loại tài sản, thu nhập phải kê khai. Ngoài tài sản, thu nhập quy định trước đây phải kê khai là: nhà, đất, kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá mà mỗi tài sản có giá trị từ  50 triệu đồng trở lên, tài sản và tài khoản ở nước ngoài. Nay Luật PCTN 2018 yêu cầu phải kê khai thêm công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng.

Người có nghĩa vụ kê khai còn phải kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Trường hợp có có biến động tài sản như trên mà không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm xác minh. Người có trách nhiệm kê khai phải giải trình đầy đủ, rõ ràng về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.

Nếu luật cũ không đề cập đến phương thức, thời gian kê khai, thì Luật PCTN 2018 quy định rất cụ thể việc phải kê khai lần đầu, kê khai bổ sung và kê khai hàng năm.

Trước đây, kê khai không gắn liền với công khai, minh bạch tài sản, thu nhập nên hiệu quả kém. Nay Luật PCTN 2018 quy định rõ bản kê khai tài sản, thu nhập phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc. Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm. Bản kê khai của người ứng cử ĐBQH, HĐND phải công khai theo Luật Bầu cử...

Theo khoản 3 điều 51 của Luật PCTN 2018, cán bộ, công chức kê khai không trung thực có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Trường hợp đã đưa vào quy hoạch lãnh đạo, quản lý thì đưa ra khỏi quy hoạch; trường hợp được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thì không được bổ nhiệm hoặc cử vào chức vụ dự kiến...

   Dư luận xã hội lâu nay rất hoài nghi về những con số “đẹp như mơ” và tính hình thức của việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Ví dụ: TP. Hồ Chí Minh trong 10 năm chỉ có một trường hợp kê khai tài sản không trung thực. Hay Hà Nội chỉ có 1/34.340 người kê khai không trung thực. Thậm chí báo cáo của Chính phủ về PCTN năm 2018 cho biết trong 1,137 triệu người kê khai tài sản trên cả nước, chỉ phát hiện 6 trường hợp vi phạm... Không hiếm những câu chuyện bi hài về những ngôi biệt phủ trăm tỷ đồng có từ “nuôi heo”, “buôn chổi đót”. Người dân bất bình vì rất nhiều quan chức giàu lên bất thường, dù lương “ba cọc ba đồng”.

Muốn phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả, phải kiểm soát được quyền lực và tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là những đối tượng có chức, có quyền, có điều kiện tham nhũng. Hy vọng Luật PCTN 2018 đi vào cuộc sống sẽ khắc phục được tình trạng “bịt mắt bắt... tham nhũng”.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không thể “bịt mắt bắt... tham nhũng” được