Theo dõi trên

Hướng đến ký số văn bản trên các thiết bị thông minh

24/06/2019, 10:57 - Lượt đọc: 94

BT- Qua hơn 5 năm triển khai phần mềm Quản lý văn bản và điều hành (QLVB&ĐH), việc thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước thay thế văn bản giấy đã mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp giảm chi phí phát hành văn bản. Hơn nữa, thời gian gửi nhận văn bản tức thời còn giúp cho công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, cũng như quá trình trao đổi, xử lý công việc giữa các cơ quan nhà nước kịp thời và hiệu quả hơn. Ngoài ra, quy định về việc thực hiện xử lý văn bản trên phần mềm theo quy trình khép kín giúp công chức, viên chức quản lý công việc thuận lợi hơn. Qua đó nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc được giao. Hiện nay, hệ thống phần mềm QLVB&ĐH của tỉnh đã được triển khai và sử dụng thường xuyên tại 296 đơn vị trên toàn tỉnh, gồm 30 cơ quan cấp tỉnh; 10/10 huyện, thị xã, thành phố; 129 đơn vị trực thuộc cấp sở; 127/127 xã, phường, thị trấn. Trong thời gian sắp đến, do yêu cầu công việc nên sẽ triển khai...

Theo thống kê từ ngày 1/1 đến ngày 31/5, tổng số văn bản phát hành trên địa bàn tỉnh với phần mềm QLVB&ĐH là 181.240. Tổng số văn bản điện tử gửi liên thông qua phần mềm giữa các cơ quan trong nội bộ tỉnh là 78.190, trong đó, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử là 80%. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng điện tử và song song với văn bản giấy là 20%. Riêng tại Văn phòng UBND tỉnh từ ngày 1/1 đến ngày 31/5 có 12.869 văn bản phát hành trên phần mềm QLVB&ĐH. Tổng số văn bản gửi liên thông qua phần mềm đến các cơ quan trong nội bộ tỉnh là 11.895 văn bản. Tất cả các văn bản điện tử của tỉnh khi phát hành trên phần mềm QLVB&ĐH đều bắt buộc phải ký số.

Theo kế hoạch trong năm 2019, Văn phòng UBND tỉnh sẽ tiếp tục nâng cấp phần mềm để kết nối liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia. Qua đó, phục vụ việc gửi nhận văn bản điện tử với Chính phủ và các bộ, ngành địa phương khác theo mô hình 4 cấp. Dự kiến thời gian tới sẽ triển khai ký số văn bản trên các thiết bị thông minh, liên thông phần mềm với các hệ thống phần mềm khác như: phần mềm một cửa điện tử liên thông, giúp giảm bớt đầu vào văn bản. Tuy nhiên hiện nay do nguồn kinh phí để đầu tư, phát triển công nghệ thông tin của tỉnh nói chung còn rất hạn chế, trong đó vấn đề kinh phí để duy trì, vận hành và phát triển phần mềm QLVB&ĐH của tỉnh là rất cấp thiết. Chính vì vậy, mới đây, UBND tỉnh đã đề nghị Văn phòng Chính phủ quan tâm, xây dựng các giải pháp, chính sách hỗ trợ trong việc phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, nhất là quan tâm về vấn đề nguồn kinh phí đầu tư, triển khai.

K.ANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng đến ký số văn bản trên các thiết bị thông minh