Theo dõi trên

Ký ức của người viết báo nghiệp dư

21/06/2019, 09:25 - Lượt đọc: 6

BT-  Về hưu, tôi có thời gian hơn cho công việc nhà và tham gia viết cộng tác Báo Bình Thuận. Như tâm lý chung của người đã khá lớn tuổi, tôi tìm về những ký ức của mình, cả của ngày còn thơ, lẫn những việc đã từng xảy ra với mình, trong nghề nghiệp, hoặc theo sở thích.

                
      
Trong số đông những nhà báo chuyên nghiệp    còn có những người viết báo nghiệp dư. Ảnh minh họa

Những mảng ký ức theo dòng hồi tưởng

Tìm đề tài cho việc viết báo không hề dễ dàng, nhất là đối với một người viết báo amateur như tôi. Tôi lần nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa với những người thân yêu trong gia đình: Ba, má, chị, con tôi, em tôi rồi đến những người bạn, nghề nghiệp mà tôi đã gắn bó, sở thích và cũng là niềm đam mê của mình, về con đường có ngôi nhà tôi ở mà tôi đã gắn bó hơn 60 năm với nó.

Tôi lần lượt viết về những người thân yêu ấy, những kỷ niệm ấy. Và với sự quan tâm đọc, chỉnh sửa của các anh chị biên tập bài của Báo Bình Thuận, một số bài viết của tôi đã có được điều kiện ra mắt bạn đọc. Có thể kể: “Nhân đọc bút ký - Thăng trầm nước mắm Phan Thiết - nghĩ về Phan Thiết xưa và nghề nước mắm”, “Má tôi và ký ức”, “Chiếc tivi trong tâm tưởng”, “Kỷ vật thân yêu”, “Giếng xưa giữ lại”, “Hương cau ngày cũ”, “Ngư Ông – con đường nghề nghiệp”, “Những vòng tay”, “Tỷ phú thời gian”, “Lời nhận xét của thầy cô tác động đến học sinh thế nào”, “Hiệu trưởng đối thoại với học sinh sinh viên”, “Cần thêm bài hát về nghề giáo”, “Một bài thơ hay về nghề dạy học – Nghe em giảng ca dao”, “Ngày xuân nghĩ về việc ngâm thơ”…

 Cảm xúc khi tôi viết và khi bài được đăng

Thú thật là, khác với những bài tôi viết về những nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ nhân ưu tú… là những người tôi phỏng vấn, hỏi kỹ các chú, anh chị ấy; thì những bài tôi viết về ký ức, cảm xúc trong tôi mạnh mẽ hơn. Bởi lúc ấy, trong đầu tôi, tôi hình dung lại những sự việc đã xảy ra với mình, với gia đình mình, với người thân của mình. Những điều ấy, có khi là niềm vui, hạnh phúc; và có lúc, là những nỗi u hoài, sự đau khổ, những vất vả, gian nan…

Thật lòng, khi tôi viết những dòng chữ của bài “Nghĩ về Phan Thiết xưa và nghề nước mắm”, tôi đã dàn dụa nước mắt khi nhớ về cha mẹ tôi, khi ba mẹ đã lao động vất vả cả đời để chăm lo cho 7 chị em tôi; khi viết bài “Kỷ vật thân yêu”, tôi không thể nào quên được những ngày hai vợ chồng tôi tập cho con đi ở Bệnh viện Nhi đồng 1, do cháu bị bại não khi mẹ sinh bị ngộp, cháu tì hai tay lên mặt bàn khoét lõm, vịn cạnh bàn đứng trong nhiều giờ liền, lúc cháu  đã 5 tuổi; khi viết bài “Má tôi và ký ức”, tôi nhớ lại những ngày má tôi không còn thấy ánh sáng do mắc bệnh glôcôm (thiên đầu thống), một thời gian sau ngày lều nước mắm nhà tôi bị cháy. Viết bài “Lời nhận xét của thầy cô tác động đến học sinh thế nào”, tôi nhớ nhiều về hai người thầy của tôi, một ở phổ thông, một ở lớp trung cấp khi thầy nhận xét về bài làm của tôi. Hay khi viết bài “Ngày xuân, nghĩ về việc ngâm thơ”, tôi hình dung về những tâm trạng, cảm xúc của mình trong rất nhiều lần, khi tôi ngâm thơ trên các sân khấu khác nhau, trong các buổi sinh hoạt, và cả trong phòng thu…

Mỗi bài viết là một mẩu chuyện trong cuộc đời tôi. Tôi nhớ về những sự kiện ấy, nhớ rõ ràng, tràn cảm xúc. Thường với những bài về ký ức, tôi viết nhanh, liền mạch, câu trôi chảy. Có thể, do những điều ấy là của tôi, những tình cảm thật, buồn vui rất thật, tôi đã trải qua, thấm thía với nó.

Tôi rất cảm ơn các anh chị biên tập bài, đã quan tâm đến tựa bài, có lúc đã thay đổi, sửa lại cho có sức gợi hơn. Nhiều bài đã được chọn đăng, đến với bạn đọc với số chữ gọn hơn, cô đúc. Có thể khi bài đến với bạn đọc, cảm xúc của bạn đọc khác với những cảm xúc của người viết. Bạn đọc có thể có cùng những rung cảm với tôi, nhưng cũng có khi không, hoặc rung cảm nhạt nhòa hơn.

 Là một người viết báo nghiệp dư như tôi, có lúc sáng sớm, mở tờ báo mới còn thơm mùi mực, đọc thấy có bài viết của mình, tôi rất vui. Và đã có lần, khi đọc được bài đăng, tôi đã chảy nước mắt. Vì tôi nhớ đến cha mẹ mình, nhớ đến tình cảm, sự quan tâm chăm lo của cha mẹ tôi đến bảy chị em tôi, như khi tôi thấy Báo Bình Thuận cuối tuần đăng bài “Chiếc tivi trong tâm tưởng”, “Má tôi và ký ức”…

Cảm ơn Báo Bình Thuận thỉnh thoảng đã dành những góc nhỏ khác nhau của tờ báo để tôi có điều kiện gởi những tâm tình của mình, những mẩu ký ức của mình đến cùng bạn đọc. Dẫu không được gắn bó với nghề báo khi còn trẻ; thì lúc về già, tôi cũng có thêm chút niềm vui. 

Minh Trí



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ký ức của người viết báo nghiệp dư