Theo dõi trên

Đừng làm tổn hại đến môi trường

12/06/2019, 15:24

BTO-Theo số liệu thống kê, mỗi năm ở Việt Nam có tổng lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt khoảng hơn 24,5 triệu tấn; chất thải rắn công nghiệp 8,1 triệu tấn và khoảng 800 nghìn tấn chất thải nguy hại. Trong khi, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực các thành phố mới đạt khoảng từ 70% - 85%; đối với khu vực nông thôn chỉ đạt từ 40% - 55%. Tình trạng này khiến các bãi rác mỗi ngày một lớn hơn và là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường cục bộ, tạo áp lực lớn cho cả người dân và chính quyền địa phương.

Không thể phủ nhận, với nhiều người, đồ nhựa dùng một lần là những sản phẩm tiện dụng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng những sản phẩm này, không chỉ gây độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng, mà còn là câu chuyện bảo vệ môi trường đang ở mức độ báo động.

Câu chuyện giá thành của những sản phẩm “xanh” và ý thức người tiêu dùng thì việc tìm ra những sản phẩm có thể thay thế cho đồ nhựa dùng một lần, vẫn còn là bài toán khá nan giải, khiến nhiều cơ sở kinh doanh trăn trở. Bên cạnh đó, ý thức, thói quen tiêu dùng của cộng đồng dân cư, các cơ quan và doanh nghiệp về tác động của rác thải đối với môi trường vẫn còn phải bàn luận nhiều.

Giải bài toán trách nhiệm đối với hoạt động xử lý rác thải, chúng ta cần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen tiêu dùng để giảm nguồn phát sinh. Việc giảm nguồn phát sinh cần thực hiện bằng cách quản lý tốt các sản phẩm có thể tạo thành rác. Thông thường, một sản phẩm khi không được sử dụng nữa sẽ bị cho là rác và bị vứt bỏ. Để hạn chế việc này cần khuyến cáo người dân, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp tái sử dụng các vật dụng, vật liệu đồng thời lựa chọn những sản phẩm có tuổi thọ dài. Việc tái chế các vật liệu để tái sử dụng cũng là một trong những giải pháp cần được khuyến cáo đến cộng đồng dân cư, các cơ quan và doanh nghiệp.

Cũng cần có các chế tài nghiêm khắc với các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về thu gom rác thải. Bài học kinh nghiệm của các đô thị hình mẫu xanh - sạch - đẹp trên thế giới, điển hình là Singapore, cho thấy: giải pháp cốt lõi nhất trong vấn đề rác thải là phải thực hiện chế tài thật nghiêm minh. Chế tài mạnh khiến người dân sẽ kiêng dè trước những thói quen vị kỷ, từ đó hình thành thói quen tốt là biết nghĩ đến môi trường chung, đến cộng đồng.

Hiện nay, chính quyền các địa phương, cơ quan, đơn vị cũng tích cực vào cuộc tuyên truyền để người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh hiểu đầy đủ tác hại của rác thải nhựa. Tuy nhiên, muốn thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy của người dân, trước hết các cơ quan, đơn vị phải tiên phong “nói không với rác thải nhựa”; các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng tăng cường sử dụng túi giấy, túi thân thiện với môi trường, thay vì túi ni lông.

Bên cạnh đó, nhà nước cần nghiên cứu luật hóa việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy, nhất là túi ni lông và chai nhựa, các sản phẩm nhựa tái chế.Các địa phương, cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng tích cực hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với việc đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa trong các địa phương, cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư.

Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của chúng ta. Chính phủ đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm xử lý, răn đe những tổ chức, cá nhân có hành vi làm tổn hại đến môi trường, rồi các công nghệ xử lý rác thải, phát minh khoa học ra đời nhằm giảm thiểu những tác động đến môi trường.

Hãy đối xử tốt với thiên nhiên, sống thân thiện với môi trường, ta sẽ tận hưởng được những giây phút thư giãn, thoải mái trong bầu không khí trong lành, được tận hưởng những cảnh đẹp từ thiên nhiên.Ngược lại, nếu chỉ biết quyền lợi của cá nhân trước mắt mà làm tổn hại đến môi trường thì bản thân ta, con cháu ta sẽ nhận lấy một hậu quả thật khôn lường. 

Dụng Văn Duy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng làm tổn hại đến môi trường