Theo dõi trên

Du lịch và nỗi lo ô nhiễm môi trường

11/06/2019, 08:48 - Lượt đọc: 774

BT- Du lịch Bình Thuận tiếp tục giữ mức tăng trưởng khá đối với 2 chỉ tiêu cơ bản là đón khách và doanh thu từ du khách. Dự ước trong nửa đầu năm 2019, toàn tỉnh đón khoảng 2.970.000 lượt khách, tăng 13,3% so cùng kỳ (khách quốc tế có hơn 382.000 lượt, tăng hơn 14%) và doanh thu đạt gần 7.475 tỷ đồng, tăng 17,7%... Tuy nhiên, ngành “công nghiệp không khói” của địa phương vẫn đối diện với nỗi lo ô nhiễm môi trường, ít nhiều ảnh hưởng thương hiệu và hình ảnh điểm đến Bình Thuận.

                
      
   Huy động lực lượng thu gom rác từ biển    trôi dạt vào bờ trên tuyến du lịch Hàm Tiến - Mũi Né.

Nỗi lo đó có thể đến từ biển. Bởi tại địa phương, tình trạng rác từ khơi xa trôi dạt vào bờ và các bãi biển vào thời điểm đầu mùa gió Tây Nam (tháng 4) hoặc Đông Bắc (tháng 10) thường xảy ra. Nếu không thu gom, xử lý kịp thời sẽ gây mất mỹ quan ở các bãi tắm, nhất là trên tuyến du lịch trọng điểm Hàm Tiến - Mũi Né và bức xúc cho du khách đang nghỉ dưỡng nơi đây. Nhưng thực tế những năm qua, lượng rác trôi dạt vào bờ với khối lượng ngày càng nhiều khiến việc thu gom rất vất vả, có khi đâu lại hoàn đấy chỉ sau một đêm sóng to gió lớn.

 Và nỗi lo đó có khi xuất phát từ sinh hoạt thường nhật của con người. Như tại khu vực neo đậu tàu thuyền - Làng chài Mũi Né hiện là điểm hút khách tham quan, song tình trạng tập trung buôn bán hải sản gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường cũng cần giải quyết triệt để. Hay tình trạng bãi rác Bình Tú (TP. Phan Thiết) đang quá tải, cùng với đó là lượng rác ven biển của các resort và khu vực công cộng ảnh hưởng đến môi trường sẽ làm “mất điểm” trong mắt du khách... Thế nên, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận đã kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy xử lý rác để sớm di dời bãi rác này, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và cả kinh doanh du lịch.

Những tồn tại nêu trên đang được địa phương tìm kiếm các giải pháp và sớm triển khai khắc phục hiệu quả. Cuối tháng 11/2019, UBND tỉnh đã ra quyết định về việc ban hành quy chế phối hợp kiểm soát, xử lý rác thải trôi dạt vào bờ biển trên địa bàn Bình Thuận. Theo đó, TP. Phan Thiết giao các phòng chuyên môn nghiên cứu, xây dựng quy chế phối hợp xử lý rác trôi dạt vào bờ biển để thực hiện trên địa bàn TP.Phan Thiết. Đến nay cũng có Công ty TNHH MTV Thái Hải Phượng xin thực hiện thu gom rác biển tại khu vực Hàm Tiến - Mũi Né, sau khi các sở, ngành góp ý có thể xúc tiến trong thời gian tới… Về tồn tại ở khu vực neo đậu tàu thuyền - Làng chài Mũi Né, UBND TP. Phan Thiết cho biết đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp địa bàn cơ sở thường xuyên tổ chức ra quân làm sạch vệ sinh môi trường. Đồng thời kết hợp tuyên truyền cho ngư dân giữ vệ sinh chung trong khu vực, nhờ đó thời gian qua tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực neo đậu tàu thuyền cơ bản được khắc phục.

Đối với bãi rác Bình Tú (thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành - TP. Phan Thiết) từng có chủ trương đóng cửa từ năm 2008 và được tỉnh gia hạn hoạt động đến năm 2015. Nhưng do dự án Nhà máy xử lý rác thải của Công ty TNHH Nhật Hoàng chưa hoàn thành, nên bãi rác này tiếp tục được UBND tỉnh gia hạn hoạt động đến năm 2020. Dự kiến trong năm nay dự án đi vào hoạt động thì toàn bộ rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý tại nhà máy, khi đó sẽ ngừng tiếp nhận rác thải sinh hoạt vào bãi rác Bình Tú… 

Du lịch địa phương với bước phát triển ấn tượng và được tiếng không “chặt chém”. Nếu nỗi lo ô nhiễm môi trường sớm được giải quyết một cách căn cơ và có sự chung tay hưởng ứng của doanh nghiệp lẫn cộng đồng, chắc chắn hình ảnh điểm đến Bình Thuận càng được nâng cao.

 QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch và nỗi lo ô nhiễm môi trường