Theo dõi trên

Khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời ở Bình Thuận

07/06/2019, 11:05

BTO- Sáng ngày 6/6, lần đầu tiên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội.

 Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận chất vấn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh về vấn đề: Bình Thuận là một tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió và điện mặt trời. Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết những chính sách của Chính phủ để khuyến khích phát triển loại hình năng lượng tái tạo này, cũng như giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện mặt trời và điện gió để sớm thay thế sản xuất điện truyền thống. 

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: Liên quan đến năng lượng tái tạo, năng lượng điện gió, mặt trời, quan điểm chung của chúng ta là khuyến khích và phát triển năng lượng tái tạo, vì đây là nguồn năng lượng bền vững, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển đất nước. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam cho đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, có QĐ số 2068 ngày 25/11/2015 thể hiện rõ về chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 và năm 2050 tỷ trọng điện tái tạo trong tổng sản lượng điện của chúng ta đối với mặt trời là 6% năm 2030, năm 2050 là 20%, đối với điện gió tương ứng là 3% và 5%. Để thực hiện mục tiêu này,  Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các cơ chế cụ thể để phát triển điện gió đó là QĐ số 37 cũng như bổ sung QĐ số 39.

Đối với điện mặt trời cũng đã có chính sách, Quyết định 11, vừa qua đã quy định giá cho điện mặt trời là 9,35 cent cho đến hết hạn là vào 30/6/2019. Hiện nay đang nghiên cứu các chính sách để áp dụng sau 1/7/2019.

Như vậy, có thể nói Chính phủ rất khuyến khích trong việc phát triển điện mặt trời, điện gió hay nguồn năng lượng tái tạo, bổ sung cho nguồn năng lượng đang hết sức cần thiết. Từ nay cho đến tháng 6/2019, dự kiến đưa vào vận hành khoảng 3000 MW điện mặt trời, trong tổng số 10000 MW điện đang triển khai các bước đầu tư và xây dựng dự án. Nhiều dự án điện gió cũng đang được các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất với quy mô tổng cộng trên 5000MW. Như vậy, với cơ chế chính sách mà Chính phủ đưa ra là hoàn toàn khuyến khích cho việc phát triển điện năng lượng tái tạo, trong đó đặc biệt là điện gió và điện mặt trời.

Phúc Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời ở Bình Thuận