Theo dõi trên

Đi tìm những địa danh xưa nay của Bình Thuận

31/05/2019, 14:04

BT- Trong nghiên cứu, tìm hiểu về quá trình hình thành một vùng đất không thể bỏ qua những sơ cứ của địa danh ở đó. Lấy mốc lịch sử từ thời vua Hiển Tông thứ 6 (1697) dẹp loạn Bà Tranh vua Chiêm đặt phủ Bình Thuận, trích đất trấn Thuận Thành, có 4 đạo Phan Rang, Phan Thiết, Phố Hài, Maly… và sau đó tiếp tục cải đổi bỏ trấn Thuận Thành, chia làm hai phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận, lại đặt thêm hai huyện Tuy Phong và Tuy Định hoàn toàn do người Việt thực sự quản lý. Nhưng liên hệ đến nội dung bộ sách địa lý lịch sử có giá trị đó là “Đại Nam Nhất thống chí” do Quốc sử quán nhà Nguyễn biên soạn dưới thời vua Tự Đức (1849) đến năm 1882 hoàn thành. Trải qua gần 200 năm từ khi Bình Thuận đã xác lập, định hình về tổ chức hành chánh, địa giới, dân cư… một số địa xanh xưa và mới cùng đồng hành theo sự phát triển của vùng đất. Phần nhiều địa danh ở Bình Thuận theo ngữ hệ tộc người (Chăm- Miền cao…). Tất nhiên trong ghi chép địa danh theo ngữ âm của người Chăm hầu như được chuyển qua Hán Việt,...

                
Cù Lao Câu. Ảnh: Đình Hòa

Một vài địa danh tính từ phía Bắc của tỉnh trở vào trở thành địa danh hành chính và khá phổ biến như Cù Lao Câu, là một hòn đảo nhỏ thuộc biển Tuy Phong, theo Bản đồ hàng hải 1841 (thư viện đại học Yale - Phạm Hoàng Quân dịch - Nhà xuất bản VHVN, 2016), gọi là Tân Lang Dữ (Hòn Tân Lang) nhưng trước đó bản đồ tuyến đường biển Đông Ấn Độ 1618 - 1625 ghi là “Pole cecir de Tere, bản đồ của Taberd ghi “Cù Lao Cau – Seu Pulo Terrie”… phù hợp với giải thích Tân Lang có nghĩa là Cây Cau và hòn/dữ là hòn đảo, cù lao nhưng do bị đọc chệch âm từ Cau thành Câu. Cũng do đó mà suy diễn, ở hòn đảo này có được môi trường hải sản phong phú, gần bờ nên ngư dân chọn nơi này làm điểm hành nghề “câu” cá rất thuận lợi.

Nối dài bờ biển Bình Thạnh (Tuy Phong) có bãi đá bảy màu độc đáo là mũi La Gàn phiên âm từ chữ Hán La Càn, La Xa rồi chuyển qua chữ Latin là Lagan, tương tự như nhiều địa danh trên bản đồ của Pháp. Năm Minh Mạng thứ 6 (1825) đổi tên La Hàn từ phiên âm tên gốc của Chăm. Trong sách Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC-1965) nói về Đầm cá ngoài biển có ghi thời Minh Mạng thứ 18 (1837)  toàn tỉnh có 7 sở, trong đó có đầm La Hàn, để trưng thu thuế đầm. Vịnh biển La Loan theo phân biệt ngày xưa phía bắc từ mũi La Hàn đến phía nam là mũi Vị Nê. Cùng cách phiên âm theo chữ Latin dưới thời Pháp thuộc trên An Nam đại quốc họa đồ (1838) của nhà truyền giáo Giám mục Taberd ghi Vị Nê Sơn nhưng theo cách viết Hán Nôm thì Vị Nê úc (vũng Vị Nê), Vị Nê chủy (mũi Vị Nê)… dần dần viết theo người Việt là Mũi Nê /Nê chủy… và người Pháp ghi Muiné. Diễn giải theo địa hình mỏm núi/mũi đất nhô ra biển, nơi đây là chỗ lý tưởng cho ghe thuyền núp gió tránh bão của người Việt thì địa danh Mũi Né có lý do tồn tại, gần gũi hơn.

Với địa danh Phú Hài (Phan Thiết) ngày nay đã từng lần lượt mang các tên Phố Hời, Phố Hài, An Hải, Phú Hải, Phú Hài… Theo sách xưa, từ năm 1854 khi cải đổi từ huyện Tuy Định thành huyện Tuy Lý, phần đất phía Nam của Bình Thuận, trong đó địa danh Phố Hài gắn với con sông và ngọn núi Phố Chăm. Ngày nay phường Phú Hài, thuộc thành phố Phan Thiết là một cụm di tích gồm di tích Lầu Ông Hoàng xây từ năm 1910 chỉ còn là phế tích, di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Pô Sah Inư thờ thần Si Va xây dựng cuối thế kỷ VIII (theo Địa chí Bình Thuận), cạnh đó có chùa Bửu Sơn được vua Cao Hoàng triều Nguyễn đặt tên Ngự tử Bửu Sơn tự.

Tuy vậy có nhà nghiên cứu cho rằng vùng đất có địa hình cao này - đồi Bà Nài, đồi Ngọc Lâm - từ xa xưa là đất cư dân Chăm sống nghề truyền thống bên cạnh bờ biển có làng chài. Khi ấy trung tâm Phan Thiết, các làng Bình Hưng, Đức Thắng, Đức Nghĩa là vùng đất trũng thấp. Cho nên tên Phố Hời là hợp lý theo cách gọi ngày xưa khi nói về người dân tộc Chăm là người Hời, người Chàm… Về sau từ Hời lại đọc chệch thành Hài nhưng nếu quá nặng về giải nghĩa của Phố/Phú, Hời/Hài thì sẽ không đến đâu cả.

Có một địa danh tuy đã thành quen thuộc nhưng phân tích ngữ nghĩa vẫn chưa mấy ai chấp nhận. Đó là hòn đảo nhỏ cách bờ khoảng hơn 400 m có tên gọi Kê Gà hay Khe Gà, Khê Gà… với công trình kiến trúc cổ 120 năm - tháp Hải đăng nổi tiếng. Dãy động cát dài trên phần đất liền đối xứng với đảo hải đăng, theo “Đông Tây dương khảo” trong truyện Chiêm Thành thì đây là ngọn đồi cát cao, ghe thuyền ngoài biển nhìn vào thấy màu đất đỏ ẩn mình trong rừng cây xanh có tên Xích Khảm Sơn. Sách ĐNNTC thì gọi dãy động này là núi Cẩm Kê và mô tả “Phía nam sát biển, có những hòn đá lớn nằm ngang ra bờ biển. Ở ngoài có hòn đảo tên là Kê Dữ (Đảo Gà)”. Ngày xưa hòn đảo hải đăng là một phần đất của Xích Khảm Sơn/ Cẩm Kê Sơn bị sóng biển xâm thực và tách rời khỏi đất liền. Ở đây có một khe (con lạch) suối nước ngọt, hàng ngày có đàn gà rừng mang bộ lông màu sặc sỡ đẹp như lụa gấm (Cẩm Kê) bay ra khe suối uống nước nên có tên Khe Gà rồi phiên âm Hán Việt là Cẩm Kê, Kê Dữ. Gần đó, cũng có một dòng suối từ một cánh rừng già chảy ra biển, theo sách ĐNNTC gọi đó là rừng Đại Khê/ Khe, người dân địa phương gọi là Khe Cả. Cũng như Khe Gà hoặc đọc Khê Gà vẫn cùng một nghĩa…Nhưng khi viết trên bản đồ người Pháp lại phiên âm Kéga. Nếu theo nghĩa Hán Việt thì Kê Gà thành Gà Gà, nhưng được lý giải do từ cách phát âm và người Pháp viết không có phụ âm KH và H nên địa danh Khe Gà/ Khê Gà trên bản đồ chỉ ghi phụ âm K để rồi thành Kega…

Nói đến địa danh phải coi quy luật biến đổi là đương nhiên do yếu tố ngôn ngữ, lịch sử, nhưng cơ sở để xác định vẫn phải thấu đáo được cái nguồn gốc của địa danh đó. Có nhiều địa danh gốc từ dân tộc Chăm, miền núi khi ghi chép qua âm ngữ bằng Hán - Nôm - Việt rồi áp đặt ý nghĩa cho địa danh đó dù không có liên quan gì, tức giữ âm mà đổi nghĩa hoặc giữ nghĩa mà đổi âm. Ở xã Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam) có núi Bà Đặng nhưng nhiều người vẫn nhầm lẫn là núi Tà Đặng, một phần vì lân cận có các địa danh Tà Cú, Tà Mon, Tà Dôn nên cho Tà cũng là thành tố của địa danh. Núi Bà Đặng là địa danh huyền thoại. Sách ĐNNTC gọi là núi Thị Đặng, vậy với chữ Tà (Néak Ta - ông thần) phải khác xa với Bà/Thị… Tương tự ở Bắc Bình có con sông Mao, cách đó không xa có đập nước Ma-Ó và địa danh làng Sông Mao/ Sài Gòn 2 một thời trước 1975 nổi tiếng ăn chơi nhộn nhịp. Cư dân ban đầu đa phần gốc người Hoa, từ Móng Cái (Quảnh Ninh) vào định cư, nay thuộc xã Hải Ninh (Bắc Bình). Theo Inrasara.com (tác giả Chế Vỹ Tân), trước đây trên cánh đồng ruộng của người Chăm có con sông nhỏ chảy ngang với tên gọi Hamu Pa-auk/ Pa-ó (Cây Xoài), về sau đọc là Ma-Ó và cách viết của người Pháp dấu sắc ở nguyên âm O không thể hiện được nên Ó thành O và không còn dấu ngang (-) nên trở thành MAO (Sông Mao). Tức không còn quan hệ về ngữ âm ngữ nghĩa, sẽ dẫn tới ý nghĩa đích thực của địa danh không còn chính xác.

Vẫn còn không ít những địa danh đang phổ biến và cả trong các văn bản hành chánh chưa có sức thuyết phục về ngữ nghĩa, chữ viết do bị biến đổi chủ quan. Trong đó yếu tố dịch nghĩa, phiên âm có tính quyết định đến nguồn gốc, ý nghĩa ban đầu của địa danh. Nhiều địa danh từ thời phong kiến, Pháp thuộc được ghi chép bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm rồi chuyển qua chữ Việt. Sẽ có nhiều bất cập từ dịch nghĩa hay qua phát âm bị chệch, lỗi chính tả, do kiêng cử (cầu Quan/ cầu Quang, Tấn Linh/ Tánh Linh, La Di/ La Gi, Phù My/ Phò Trì… ).

Một số địa danh khá quen thuộc được dẫn ra không hẳn là đầy đủ mà nhằm tìm đến những người từng trải nghiệm, thấy được ý nghĩa địa danh không chỉ tái hiện một thời xa xưa mà còn nối dài với tiến trình phát triển hôm nay. Một nhà nghiên cứu về Địa danh đã nói thật chí lý: “Chúng ta phải giải nghĩa từ ngữ của người xưa và nhất là đi vào việc giải thích địa danh” (Huỳnh Công Tín - Chuyện địa danh và chữ nghĩa Nam bộ - Nhà xuất bản  VHVN, 2018). Cho nên với những ý kiến đồng tình hay phản bác vẫn là cần thiết.

Phan Chính



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đi tìm những địa danh xưa nay của Bình Thuận