Theo dõi trên

Vượt ngưỡng

29/05/2019, 09:03 - Lượt đọc: 48

Bài 1: Đề nghị đổi tên thôn Ung Chiếm

BT- Tôi bỗng nghẹt thở, có thể vì đọc những lời cảnh báo tự vệ trên nhưng cũng vì mùi hôi trong không khí càng về trưa càng nồng. Tôi chào ra về. Còn kịp nghe những người dân ở đây nói buồn phía sau: Làm đơn đề nghị đổi tên thôn Ung Chiếm đi. Cái tên cứ ám ảnh chuyện rồi đây, ung thư chiếm cứ hết mọi nhà!

                
Tập kết củi đốt của một cơ sở sản xuất bột    cá.

 Sự im lặng đáng sợ

Bây giờ đã gần bước sang tháng 6 dương lịch có nghĩa đã bắt đầu tháng 5 ta, gió nam thổi. Ngồi ở nhà phía bên này đường Phú Hài - Kim Ngọc nhìn sang bên kia, thấy thấp thoáng những đống củi chất cao ngang với mái nhà của cơ sở sản xuất bột cá Ánh Vinh. Khói đen từ 10 cột khói cao tầm 10 m của các cơ sở sản xuất bột cá vẫn bốc lên trời bảng lảng. Mùi hôi thúi như mùi chuột chết cứ lâu lâu lại thoáng tới. Ông bà Tư, nhà ở thôn Ung Chiếm - Hàm Thắng (Hàm Thuận Bắc) đã ở khoảng 75 - 80 tuổi ngồi tiếp chuyện tôi rất bình thản, còn tôi mới 5 - 10 phút đã bắt đầu bịt mũi theo phản xạ tự nhiên. “Vợ chồng tôi ở đây đã 15 năm nay nên quen rồi. Đây mới đầu mùa gió nên chưa có gì hết. Khi gió nam thổi rộ, cô qua đây ngồi được 5 phút như thế này là giỏi”. Tôi cảm nhận mình đã gặp đúng người chịu san sẻ. Vì hồi sáng giờ, những người tôi gặp hỏi thăm đều lắc đầu, nhếch mép cười, bảo chuyện khu chế biến hải sản Phú Hài gây ô nhiễm đã thành chuyện thường ở vùng giáp ranh này. Tôi hiểu sự im lặng đó. Mệt mỏi, không muốn nói nữa. Nói nhiều cũng đâu giải quyết được bao nhiêu. Bởi chuyện đã kéo dài ngót nghét 20 năm nay rồi. Đã có bao nhiêu kiến nghị. Đã có bao nhiêu đoàn cán bộ của các ngành chức năng có liên quan tới lui. Đã có bao nhiêu bài báo về tình trạng ô nhiễm này. Nhưng những gì khắc phục được rất nhỏ so ước muốn của dân, lại trầy trật. Và những gì diễn ra ở thôn Ung Chiếm này, nhất là các loại bệnh ung thư bất ngờ đến khiến nhiều người bị chết thình lình là có thật.

Không ai đoán biết được do đâu nên những gì tồn tại trước mắt với môi trường có mùi hôi thối tổng hợp từ xác mắm, củi đốt, hóa chất…bay lẩn quẩn quanh năm, nước thải bẩn, ruồi nhặng tập trung về là lý do khiến bao người ở đây vin vào cho bệnh tật. Chưa một công bố nào của cơ quan chức năng khẳng định chính môi trường rất tệ ở đây kéo dài nhiều năm là thủ phạm. Nhưng theo thống kê từ thôn Ung Chiếm, từ năm 2010 đến nay có 9 người trong thôn ở độ tuổi 40 - 60 bị ung thư đủ loại đã chết. Vì dân quê, ít chú ý thăm khám định kỳ nên hầu hết khi phát hiện bệnh thì đều ở giai đoạn cuối, không có thời gian nào nữa để cứu vãn. Hiện trong thôn cũng có một số người khác đang bị ung thư… Để cứu vãn nỗi sợ, mỗi gia đình ở đây tự sơ tán xa khu chế biến này lặng lẽ theo điều kiện riêng.

 Sơ tán và mở rộng

Cảm nhận của tôi khi vào nhà ông bà Tư thật đúng. Không câu nệ chuyện đã nói nhiều với các đoàn kiểm tra, các nhà báo qua hơn chục năm qua nhưng môi trường ở đây vẫn tệ như sự giận dỗi của một số người khác, ông bà nói chuyện với tôi như với một người cháu. Bà Tư vừa rót nước ngọt mời khách, vừa đổ dầu xanh con ó lên bàn, dưới chân, khiến đàn ruồi nghe mùi ngọt lẫn mùi dầu bay loạn xạ. Bà nói: “Bây giờ, trên con đường này có nhiều người từ nơi khác tới ở. Gia đình tôi cũng từ TP. Hồ Chí Minh về lại quê cha đất tổ, ở đây được khoảng 15 năm nay. Nhưng giờ, nhà cửa rộng rãi thế này, chỉ có 2 vợ chồng già ra vô. Thương cha mẹ, nhưng tụi nhỏ phải mua đất nơi khác để ở. Mỗi lần về thăm ông bà, mỗi lần nghe mùi hôi thối, mỗi lần dọn đồ ăn ra, ruồi nhặng ào tới là chúng nó lại lôi cả nhà lên xe ra bất cứ quán nào càng xa càng tốt. Lắm lúc, bực quá muốn bán nhà để đi nơi khác nhưng ông nhà không chịu. Vợ chồng già cứ cố thủ ở đây xem sao. Già rồi cũng không sợ ung thư gì nữa”.

                
   
Xác cá bỏ bao chất thành đống ven đường nội    bộ.

Bà Tư nói giọng Sài Gòn, từ tốn nhưng tôi cảm nhận có gì đó gấp gáp trong từng lời nói, sự nôn nóng lo lắng trong lòng. Đúng như tôi cảm nhận, bà chỉ phía bên kia đường, nơi tiếp giáp với khu vực phơi cá của các cơ sở là khu đất rộng có căn nhà cấp 4 kể tường tận. Nhà bên ấy có con gái hơn 40 tuổi bị ung thư vừa mới chết. Hoảng sợ hay sao ấy mà nhà bên đó chấp nhận bán 3.600 m2 đất, trong đó có 600 m2 đất thổ cư, có nhà như thế chỉ với 2,4 tỷ đồng. Cơ sở chế biến hải sản mua lại đất trên và lại dùng 3.600 m2 ấy để phơi cá. Nhà ở bên cạnh có thể sẽ tiếp tục phải ra đi trong thời gian tới. Cả khu vực phơi cá này hình thành đều bằng cách như trên, tương tự vết dầu loang. Người dân bán nhà đất ở tâm thế phải sơ tán để bảo toàn sức khỏe, sự yên ổn hàng ngày. Người mua không đâu xa đều từ các cơ sở trong cụm công nghiệp này muốn mở rộng hơn nơi sản xuất. Và hàng ngày, từng đoàn xe chở cá tạp hôi thối từ các nơi chạy về đây tập kết, gom về bao nhiêu ruồi nhặng…

 Kêu cứu và cảnh báo… tự vệ

Sự bành trướng trong sản xuất trên có nghĩa khí thải độc, nước thải bẩn cũng bành trướng theo. Lâu nay, điểm hạn chế “nước tràn ly” trong dân ở đây là hệ thống xử lý nước thải chung được xây dựng, người dân sống gần đó thở phào vì đã lấp được ao nước thải lộ thiên lâu nay thì nay, chính hệ thống này đã xuống cấp, hư hỏng. Có đoạn bị tắc nghẽn, nước thải bị rò rỉ, chảy tràn ra đường trôi xuống sông Phú Hài, hòa dòng ra cửa biển Thanh Hải. Cộng với nước xả của một số lò hấp cá cơm ven bờ khiến những nhà dân ở ven sông Phú Hài, gần biển Thanh Hải chưa bao giờ dám thò chân xuống nước. Mùa này, gió nam thốc lên, nhà nhà ở trong vùng đều nghe mùi hăng hắc, rất khó chịu. Dân Thanh Hải có đơn thư kiến nghị. Nhưng tại Phú Hài thì không, UBND phường Phú Hài thông báo thế. Một sự im lặng đáng sợ. Trong khi đó, ở thôn Ung Chiếm - Hàm Thắng, cuộc chiến trên vẫn tiếp tục, nhưng ở tầm có chủ đích hơn. Những hộ dân này gửi đơn đến luật sư Nguyễn Toàn Thiện với hy vọng ông phản biện tại cuộc họp HĐND tỉnh tới cùng về vấn đề lợi ích nhóm khi để các cơ sở gây ô nhiễm ngang nhiên hoạt động, làm ảnh hưởng sức khỏe của cả 1.000 hộ dân ở đây. Họ bộc bạch: “Đến giờ này, chúng tôi không chịu đựng được nữa. Số đông các hộ dân nghĩ quẩn, nếu các cấp lãnh đạo và địa phương không quan tâm xử lý, không quan tâm đến sức khỏe người dân chúng tôi, tới đây khi quá bức xúc, có thể chúng tôi vi phạm pháp luật nhưng vì giữa sự sống và bệnh tật chết chóc, không có lối thoát thì địa phương đừng trách người dân chúng tôi hung hãn quá đáng”.

Tôi bỗng nghẹt thở, có thể vì đọc những lời cảnh báo tự vệ trên nhưng cũng vì mùi hôi trong không khí càng về trưa càng nồng. Ngửi áo nghe mùi hôi thối đã thấm vào tự lúc nào, tóc thì cứ rin rít, tôi chào ra về. Còn kịp nghe những người dân ở đây nói buồn phía sau: Làm đơn đề nghị đổi tên thôn Ung Chiếm đi. Cái tên cứ ám ảnh chuyện rồi đây, ung thư chiếm cứ hết mọi nhà!

Bài 2: 4 cơ sở “khuynh đảo” thành phố.

Phóng sự điều tra: Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vượt ngưỡng