Theo dõi trên

“Làm giá” đất dự án điện mặt trời

23/05/2019, 09:15 - Lượt đọc: 336

BT - 1. Những ngày qua, tại Dự án Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 thuộc xã Vĩnh Hảo không hết căng thẳng, khi một hộ dân không đồng ý mức đền bù liên quan đến vùng đất sẽ thu hồi để xây dựng 2 trụ thép, mỗi trụ có mống 100 m2 để đấu nối lên lưới điện quốc gia. Đền bù đất nông nghiệp thì theo quy định của Nhà nước, hộ dân này không đồng ý. Còn với Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Hảo 6, chủ đầu tư dự án điện mặt trời có quy mô công suất 50MW, sử dụng khoảng 60 ha đất thì hộ dân này đòi 6 tỷ đồng tiền hỗ trợ. Theo Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Hảo 6, áp đơn giá bình thường, vùng đất làm 2 trụ thép… khoảng 290 m2 chỉ có giá 83 triệu đồng, công ty đã đồng ý với mức hỗ trợ 2 tỷ đồng, tức tăng so với số tiền theo quy định hơn 200 lần nhưng hộ dân này vẫn chưa đồng ý… Sau nhiều lần thương lượng nhưng không thành, mới đây, UBND  huyện Tuy Phong phải tổ chức cưỡng chế. Cuộc cưỡng chế dù mang về đất nhưng nhà đầu tư  lại không thể thi công, vì hộ dân không cho mượn đất để máy móc vào...

2. Trên đây là một ví dụ việc đền bù bồi thường đến ngộp thở, vì ưu thế đó là đất của hộ dân, có sổ đỏ đàng hoàng. Còn với đất mà Nhà nước cho các hộ dân thuê thì cuộc “làm giá” trên đủ kiểu, vì dân ý thức được rằng, theo quy định chỉ được hỗ trợ tài sản trên đất. Câu chuyện diễn ra mới đây tại Dự án Nhà máy điện mặt trời Eco Seido Tuy Phong thuộc địa bàn xã Phú Lạc có thể cảm nhận rõ việc “làm giá” đất quá lố. Đó là chuyện có 2 hộ dân ở xã Phú Lạc thuê đất với tổng diện tích 40 ha, (mỗi hộ 20 ha) ở vùng núi Nạng trồng rừng từ năm 2010 nhưng vùng đất này sỏi, đá nhiều nên hình như cũng không triển khai trồng. Khi dự án điện mặt trời vô, năm 2017 chính quyền huyện Tuy Phong, xã Phú Lạc làm công tác kiểm kê đất đai, 2 người này không có mặt, dù xã đã gửi thư mời 3 lần. Nhưng đến tháng 3/2019, một người khác ở thị xã Long khánh, Đồng Nai xuất hiện báo với chính quyền, với doanh nghiệp điện mặt trời là đã được 2 hộ dân trên ủy quyền sử dụng vùng đất này với hợp đồng ủy quyền ghi từ năm 2016. Đồng thời cũng trưng ra chứng thư thẩm định giá vùng đất 40 ha trên do một đơn vị tại TP.HCM thực hiện vào ngày 5/4/2019 với tài sản thẩm định giá nhấn mạnh về lợi thế quyền thuê đất và công trình xây dựng trên đất. Điều giật mình là đơn vị thẩm định giá đã thẩm định tài sản trên vùng đất hoang hóa đó hơn 18,2 tỷ đồng. Trong đó, tên tài sản cụ thể tính ra tiền rất vô lý. Ví dụ, giếng khoan sâu đến 200 m, trong khi ở đây chỉ khoan 50 m là có nước… khoáng, có giá đến 1,2 tỷ đồng. Và có 8 giếng nước như thế, trong khi trên thực địa thì không thấy cây trồng nào. Hay giá tiền thuê đất của Nhà nước, chứng thư thẩm định giá tính luôn trọn 40 năm sau ra số tiền gần 7,4 tỷ đồng… Người này yêu cầu doanh nghiệp điện mặt trời căn cứ vào thẩm định giá đó, trả tiền cho ông, nếu muốn sử dụng 40 ha đất. Trong khi công việc đền bù là của chính quyền sở tại, doanh nghiệp chỉ chuyển tiền cho chính quyền chi trả cho các hộ dân hoặc có thể hỗ trợ thêm để đẩy nhanh tiến độ lấy đất sạch.

3. Công tác đền bù giải tỏa vốn dĩ rất khó lâu nay. Có nhiều dự án công tác đền bù kéo dài chục năm, thậm chí nhiều hơn đến khi tính toán lại, thấy dự án không hiệu quả, đành phải bỏ ngang. Riêng với các dự án điện mặt trời, do yếu tố đặc thù của chính sách mua bán điện liên quan đến giá bán với cột mốc hòa lưới điện trước 30/6 đã khiến công tác đền bù giải tỏa trên càng gay gắt hơn, càng khó khăn hơn gấp bội lần. Chính các nhà đầu tư, vì muốn bỏ nhỏ được lớn nên chấp nhận hỗ trợ cao để có mặt bằng cho thi công kịp tiến độ nên các hộ dân có đất nằm trong vùng dự án mặc sức “làm giá” đất. Tuy Phong, nơi có đến 9 dự án đăng ký hòa lưới điện trước 30/6 tới trở thành nơi nóng bỏng nhất trong đền bù giải tỏa đất từ những tháng qua. Và một số vụ việc đã được kiến nghị lên tỉnh, có thể khởi kiện ra tòa… 

Hảo Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Làm giá” đất dự án điện mặt trời