Theo dõi trên

Xã hội cần cái gì đào tạo cái đó

23/05/2019, 09:11

BT - Trong những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung và đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao nói riêng đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã đào tạo nghề trên 58 nghìn học viên; trong đó có trên 37,6 nghìn lao động nông thôn. Nhờ vậy tỷ lệ lao động được đào tạo bằng các hình thức đạt 64%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề được cấp chứng chỉ chiếm 24,37%. Tỷ lệ này cao hơn mức bình quân của cả nước (58,6% qua đào tạo và  23 - 23,5% được cấp chứng chỉ).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao của tỉnh còn một số hạn chế như: thiếu sự gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu sử dụng; cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, chưa đồng bộ; chương trình, giáo dục đào tạo chưa phù hợp, chậm được đổi mới; đội ngũ cán bộ và giáo viên ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế về năng lực quản lý, trình độ, kỹ năng nghề. Công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin nghề nghiệp, tư vấn nghề chưa sâu rộng, nhất là ở vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nên một bộ phận lao động chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề và tạo việc làm. Công tác chiêu sinh đào tạo nghề gặp nhiều khó khăn. Tâm lý xã hội nhìn chung còn nặng bằng cấp nên học sinh chủ yếu học đại học; ít học trung cấp, cao đẳng…

Để tạo chuyển biến trong công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và giải quyết việc làm cho người lao động, trong thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh tiếp tục quán triệt Chỉ thị 37 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đào tạo nhân lực có tay nghề cao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao với nhiều nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao; gắn mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo nhân lực có tay nghề cao vào chương trình, kế hoạch hàng năm ở địa phương, đơn vị.

Về phía chính quyền, cần rà soát và ban hành các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng… để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác đào tạo nghề. Làm tốt công tác dự báo nhu cầu nhân lực có tay nghề cao và quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp phù hợp với thực tế; gắn kết giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng. Vấn đề định hướng nghề nghiệp cho học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông cũng là giải pháp rất quan trọng và là trách nhiệm của nhà trường và phụ huynh. Điều này, giúp các em xác định được rõ năng lực của bản thân và định hướng nghề nghiệp tương lai sau này.

Các cơ sở dạy nghề cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung nội dung chương trình, giáo dục đào tạo phù hợp với thực tiễn theo nguyên tắc: Xã hội cần cái gì đào tạo cái đó. Đa dạng hóa phương thức và chương trình đào tạo, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng nghề; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học vào thực hành tay nghề. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề.

 Thực tế hiện nay thường xảy ra tình trạng đào tạo nghề dàn trải chạy theo số lượng, các doanh nghiệp tuyển mới lao động phải đào tạo lại mới đáp ứng được yêu cầu công việc sẽ làm mất thời gian, kinh phí và trở ngại cho hoạt động sản xuất của đơn vị tuyển dụng. Do vậy, các trường đào tạo nghề và doanh nghiệp cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ để nâng cao chất lượng đào tạo lao động kỹ thuật, lao động nghề chất lượng cao. Khi xây dựng mối liên kết này, doanh nghiệp đề nghị trường đào tạo cụ thể những ngành nghề mà doanh nghiệp cần. Sau khi học xong ra trường, doanh nghiệp sẽ tuyển dụng lao động vào làm việc, tránh tình trạng lãng phí cho người học, nhà trường và doanh nghiệp.

Trong liên doanh, liên kết đào tạo, không chỉ giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp mà cần có sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo trong tỉnh với nhau, giữa cơ sở đào tạo của tỉnh với các tỉnh, thành khác. Đồng thời chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế với các nước, các tổ chức có nền giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nhân lực có tay nghề cao phát triển. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh.

Thế Nam



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xã hội cần cái gì đào tạo cái đó