Theo dõi trên

Ký ức Trường Sơn

16/05/2019, 08:50 - Lượt đọc: 60

BT- 60 năm, thời gian đang dần lùi xa, nhưng với những người lính Trường Sơn năm xưa giờ đây vẫn vẹn nguyên, khắc khoải trong từng nỗi nhớ về những ký ức một thời “xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước. Những giọt nước mắt chợt rơi khi nhắc về đồng đội, chiến trường, những ngày tháng đối mặt với bom đạn, đói khát…vì mục tiêu giải phóng đất nước.

                
   Những người lính Trường Sơn năm xưa.

Những ngày này, khi cả nước đang hướng về sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh lịch sử - một con đường đã đi vào huyền thoại của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi đã được gặp lại những người lính, những thanh niên xung phong một thời hy sinh tuổi trẻ để đối mặt với những thử thách khắc nghiệt nhất của chiến tranh. 85 tuổi, bác Huỳnh Mai Sỹ ở xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc), từng là bộ đội phụ trách trạm đường dây Đoàn 559 trong chiến trường Trường Sơn vẫn nhớ như in những ngày tháng mở đường. Không thể kể hết những gian khổ, khó khăn lúc đó, cũng không thể kể hết tên những đồng đội của mình đã hy sinh. Những đồng đội của bác có người chết vì đói, vì bom đạn, vì bệnh, thậm chí chết vì cọp vồ lúc đang đắp chiếu ngủ giữa đường.

“Thương lắm, tất cả chiến sĩ đều còn rất trẻ,  khi hy sinh chưa được một nụ hôn của người mình yêu, chỉ có duy nhất một tình yêu quê hương, dân tộc”, bác Sỹ bộc bạch. Trong thời gian 5 năm làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, bác đã vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ. Đây là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời của người chiến sĩ ấy. Bác Sỹ kể: Đâu phải ai cũng được đi đón Bác Hồ, đơn vị chỉ chọn ra 1 tiểu đội với những người xuất sắc nhất mới được đi, năm đó vào ngày 12/6/1957 tại Hà Tĩnh. Đó cũng là lần đầu tiên được thấy Bác, hình ảnh Người hết sức giản dị, uyên bác và dễ gần. Bác vẫy tay chào mọi người, và chỉ dành vài chục phút để nói chuyện, động viên các chiến sĩ cố gắng thực hiện nhiệm vụ thật tốt. Công cuộc mở đường Trường Sơn thời điểm đó hết sức khắc nghiệt, thiếu lương thực, thiếu nước, các chiến sĩ phải tự tìm lá rừng ăn thay cơm trong tiếng bom đạn ngày đêm. Do đó, Bác đã phát động phong trào “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” để mỗi chiến sĩ ra sức thi đua chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Lần thứ 2, bác Sỹ lại tiếp tục được chọn đi Hà Nội học 3 tháng về nghiệp vụ mở đường. Lần này, Bác Hồ lại đến thăm các chiến sĩ để chuẩn bị vào Nam tiếp tục công cuộc mở đường. Có khoảng 15 phút ngắn ngủi được Bác nói chuyện về tình hình miền Nam đang hết sức khó khăn. Do không có thời gian, Bác đã cho các chiến sĩ xem một bộ phim bí mật về “chiếc huy đồng” của Liên Xô. Bộ phim cũng là thông điệp mà Bác muốn gởi gắm đến các chiến sĩ “phải trung thành tuyệt đối với Đảng, bất cứ tình huống nào, nhiệm vụ nào, địch có bắt, có tra tấn đến mấy cũng không phản bội đất nước”. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ mở đường, bác Sỹ cho biết năm 2004, bác lại được ra Hà Nội viếng lăng Bác. Lần thứ 3 trong đời được đến với Bác chỉ vài giây ngắn ngủi, bác đã bậc khóc vì xúc động khi báo công với Bác là đã hoàn thành nhiệm vụ Bác giao. “Nhưng Bác ơi, đồng đội của con, 120 chiến sĩ đã hy sinh gần hết. Hôm nay chỉ còn mình con đến viếng Bác thôi”, người chiến sĩ Trường Sơn xúc động kể.

Là nữ thanh niên xung phong tham gia mở đường Trường Sơn lúc còn rất trẻ, cô Nguyễn Thị Thuế (73 tuổi) giờ nhắc lại vẫn vẹn nguyên cảm xúc của một thời tuổi trẻ và nằm lòng khẩu hiệu “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” của những người lính đặc công thời đó. Xuất thân trong gia đình cách mạng, cô tha thiết được ghi tên vào danh sách thanh niên xung phong đi mở đường Trường Sơn. Có những lá đơn được viết bằng máu của tuổi trẻ với lòng nhiệt huyết, yêu nước tha thiết. Cũng 2 lần được gặp Bác, một lần lúc cô còn nhỏ nên được Bác xoa đầu, lần thứ 2 được gặp Bác tại trường Dân tộc Trung ương (Mễ Trì – Hà Nội). Với cô, bấy nhiêu đó cũng thật vinh dự cho bản thân. 3 năm phục vụ công cuộc mở đường Trường Sơn, thấm nhuần những gian khổ, phải đổ cả máu và nước mắt. Hôm nay thời bình, cô chỉ muốn được một lần đi trên con đường Trường Sơn ấy, để có dịp trở về những kỷ niệm với đồng đội, với những nơi cô đã từng cống hiến sức trẻ để có được một con đường Hồ Chí Minh lịch sử.

60 năm, đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh vẫn luôn là biểu tượng sinh động, một sáng tạo lịch sử vĩ đại của Đảng và quân đội ta. Nơi ấy – là ý chí của những người lính đã chiến thắng mọi khốc liệt của chiến tranh, của khó khăn, của mọi trở ngại từ thiên nhiên khắc nghiệt trên đại ngàn Trường Sơn. Và cũng là nơi thể hiện khát vọng độc lập tự do, thống nhất đất nước.  

Khánh NgỌc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ký ức Trường Sơn