Theo dõi trên

Rơm, lá chuối và amiăng

15/05/2019, 09:46

BT- Chính thức ngày 1/5 vừa rồi, Trung Quốc đã áp dụng quy định mới về gắn tem mác, vật lót, bao bì đối với dưa hấu, chuối, mít của Việt Nam khi xuất hàng sang nước này. Cụ thể, với dưa hấu, Trung Quốc không cho phép lót rơm khi thông quan, thay vào đó phải dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái... Theo thói quen thường ngày của người Việt, những loại trái cây dễ bị nứt, xước trong quá trình vận chuyển, bà con  thường lót rơm rạ. Và trong hành trình dài cả nghìn cây số ra biên giới phía Bắc, lót rơm được xem là giải pháp tốt nhất để sản phẩm đến tay người mua còn nguyên vẹn, đẹp trái. Mọi chuyện cứ đương nhiên như thế cho đến tháng 5 này, những ai liên quan mới ngộ ra câu chuyện vật lót thân quen này có thể lây nhiễm khuẩn cho sản phẩm. Phía thị trường Trung Quốc nhìn ra khía cạnh ấy cùng yêu cầu trên mang tính phòng ngừa thôi, chứ chưa có bằng chứng...

Chuyện trên lại gợi nhớ chuyện tương tự khác ở trong nước, cụ thể là việc sử dụng lá chuối xanh để gói thực phẩm khởi động vào 1-2 tháng trước của các siêu thị, hưởng ứng giảm thải túi nilon ra môi trường. Sau một thời gian, bỗng một số siêu thị đòi hỏi lá chuối gói thực phẩm kia phải được kiểm nghiệm, nếu không sẽ lây nhiễm khuẩn cho các sản phẩm được gói. Các nhà cung cấp rối lên, cảm nhận siêu thị đang gây khó vô lý. Tại Bình Thuận, lá chuối bán ngoài chợ là sự gom hàng từ nhiều nơi, vì không ai trồng chuối chỉ để bán lá, thường sau khi thu hoạch buồng chuối, lá mới được thu gom bán. Vì thế, chẳng lẽ đợt hàng nào vào siêu thị, nhà cung cấp cũng phải đi mua lá rồi đi kiểm nghiệm lá chuối, vừa không kịp thời gian mà cũng không biết kiểm nghiệm bằng cách nào. Điều đáng nói, để gói được hàng, bảo đảm lá không rách toe và giữ màu xanh trong vài ngày, người ta thường đem luộc lá chuối đi, tốt hơn là phơi nắng. Có nghĩa, lá chuối đã bị luộc thì đâu còn vi khuẩn nào để lây nhiễm cho sản phẩm.

2 tình huống “kỹ tính” trên cũng không có gì đáng trách, vì sản phẩm sạch thêm vẫn tốt hơn, phòng ngừa trước vẫn tốt hơn để xảy ra. Thế nhưng, khi suy xét lại mọi chuyện rộng hơn thì giật mình khi mới đây Tổ chức Y tế thế giới thông tin Việt Nam là 1 trong 6 nước trên thế giới vẫn sử dụng lượng lớn amiăng trong sản xuất, nhất là sợi amiăng trắng để sản xuất tấm lợp amiăng - xi măng. Khổ nỗi, sản phẩm này có giá thấp nên được người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, những hộ gia đình có thu nhập thấp sử dụng làm tấm lợp nhiều. Và vào mùa mưa, họ hứng nước mưa từ tấm lợp này để sinh hoạt. Ở nhiều vùng biển, người ta còn tận dụng tấm lợp để nuôi hàu… Có thể hình dung theo thời gian vô tư sử dụng, sợi amiăng tích tụ trong cơ thể mà theo các tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, sẽ gây ra ung thư phổi, ung thư trung biểu mô (màng phổi, màng bụng, màng tim)…

Trong bối cảnh Việt Nam nỗ lực đẩy nhanh lộ trình đến 2020 chấm dứt sử dụng amiăng trong sản xuất, 2 tình huống “kỹ tính” trên cũng xới lên chuyện chính quyền các nơi trên cần tuyên truyền cho người dân biết và người tiêu dùng cần thông minh để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình.

BÍCH NGHỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rơm, lá chuối và amiăng