Theo dõi trên

Đưa vào trồng 2 giống mì kháng bệnh chổi rồng

15/05/2019, 09:31

BT- Mì không chỉ là cây trồng xóa đói, mà còn giúp nhiều người dân Hàm Tân vươn lên làm giàu từ mảnh đất của mình. Là loại cây không kén đất, chịu chi phí đầu tư thấp, tuy nhiên những năm gần đây năng suất và sản lượng mì giảm, trong khi nhu cầu nguồn nguyên liệu có chiều hướng tăng cao. Điều này yêu cầu phải có giống mì mới thay thế phù hợp.

 Năng suất mì giảm

Bình Thuận là tỉnh có diện tích sản xuất mì lớn nhất toàn vùng Duyên hải Nam Trung bộ và là một trong những tỉnh có diện tích mì cao của cả nước. Năm 2017 diện tích trồng mì của tỉnh đạt 28.193 ha, sản lượng 478.000 tấn. Trong đó Hàm Tân có diện tích trồng mì luôn đạt cao nhất tỉnh với bình quân 11.000 ha/năm. Song các vùng trồng mì của huyện đều bị nhiễm bệnh chổi rồng rất nặng với khoảng 2.000 ha/năm.

 Nhiều năm qua, Hàm Tân đã tiếp nhận những giống mới như: KM94, KM98-5, KM60, KM140, SM937-26 do Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam chọn tạo và phát triển. Tuy nhiên, nông dân thường không bón phân hoặc bón phân không hợp lý cho mì, chưa quan tâm các biện pháp cải tạo đất, việc bảo quản sử dụng giống vụ trước để trồng vụ sau chưa hiệu quả nên năng suất mì giảm dần. Bình quân từ năm 2015-2017 năng suất chỉ đạt 20,17 tấn/ha và sản lượng năm 2017 chỉ đạt 210.709 tấn. Đặc biệt bệnh chổi rồng đã xuất hiện và gây hại ở hầu hết các vùng trồng mì trong huyện. Kết quả điều tra cho thấy trên 90% diện tích trồng giống mì KM 94 (giống chủ lực của cả nước) bị nhiễm bệnh, đã gây thiệt hại đáng kể cho các vùng trồng mì trên địa bàn huyện.

Mặt khác, giá mì những năm gần đây xuống thấp, nên các hộ trồng mì không tha thiết với việc đầu tư thâm canh cây mì. Theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện, đến năm 2020 xác định cây mì vẫn là cây chủ lực trên địa bàn, trong đó tập trung ở xã Sông Phan, Tân Phúc, Tân Đức và theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 diện tích cây mì đến năm 2020 duy trì phát triển 8.000 ha.

 HL-S11 và HL-S12: giống mới kháng bệnh

Năm 2015, tại Đồng Nai đã đưa giống mì HL-S11, HL-S12 vào trồng và cho kết quả tương đối tốt. Năng suất đạt 45 - 55 tấn/ha, hàm lượng tinh bột cao đạt trên 28%, tỷ lệ nảy mầm cao, cây mọc đều, chịu hạn và đặc biệt không bị bệnh chổi rồng, có thể kéo dài thời gian thu hoạch cả tháng mà không lo giảm độ tinh bột. Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Hàm Tân nhận thấy, nếu trồng giống mì HL-S11, HL-S12 trên các vùng  của Hàm Tân sẽ có tính khả thi cao và cần thiết giúp hộ dân trồng mì nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế chi phí đầu tư.

Vào cuối tháng 5/2018, giống mì HL-S11 và HL-S12 được lấy từ Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc - Trảng Bom, Đồng Nai về đã được thử nghiệm trồng trên diện tích 1 ha tại Sông Phan. Chị Lê Thị Kim Nhung - Phó Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, chủ nhiệm đề tài trên cho biết: Khoai mì cần đất tơi xốp, sâu để rễ, củ phát triển. Trồng hom nằm ngang trên những diện tích đất tương đối bằng phẳng. Ở những diện tích đất có mưa nhiều, thoát nước kém có thể kéo luống hoặc lên líp để trồng với các phương pháp hom đứng và hom xiên. Nếu trồng vào vụ cuối mưa, độ ẩm đất thấp thì nên trồng hom đứng.

Nông dân cần chú ý khoảng cách và mật độ trồng. Đối với đất tốt và trung bình trồng 10.000 cây/ha. Đất xấu trồng 12.500 cây/ha và 16.000 cây/ha. Nên bón phân khi đất đủ ẩm, vì trồng mì trên đất dốc, không có điều kiện tưới. Thường xuyên theo dõi sâu bệnh, đồng thời phun thuốc phòng trừ cỏ dại.

Kết quả sau hơn 9 tháng trồng cho thấy cả 2 giống thích nghi và phát triển tốt tại địa phương, không bị sâu bệnh gây hại, nhất là không bị bệnh chổi rồng. Khi thu hoạch giống HL-S11 có hàm lượng tinh bột đạt 29%, giống HL-S12 hàm lượng tinh bột đạt 27%. Giá bán cao hơn các giống mì khác với 1.200 đồng/kg mì tươi. Do đó cần thiết nhân rộng mô hình giống mì cao sản HL-S11 và HL-S12 áp dụng biện pháp thâm canh vào sản xuất đại trà trên địa bàn xã Sông Phan.

    
    Bệnh “chổi   rồng” phytoplasma (dịch khuẩn bào) trên cây mì xuất hiện khá phổ biến và   chưa có biện pháp để điều trị hữu hiệu. Cây mì bị bệnh chổi rồng sớm   thường không cho thu hoạch. Cây bị bệnh muộn thì làm giảm năng suất từ   10 - 30%, hàm lượng tinh bột chỉ đạt 15 - 20%. Bệnh này có dạng ẩn, vì   nhìn cây mì có vẻ khỏe mạnh, nhưng có thể đã bị nhiễm bệnh do đó rất khó   phòng trừ.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đưa vào trồng 2 giống mì kháng bệnh chổi rồng