Theo dõi trên

Ngăn dịch tả lợn vào địa bàn tỉnh 

13/05/2019, 10:12 - Lượt đọc: 73

BT- Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại tỉnh Đồng Nai, thông tin trên khiến không chỉ người chăn nuôi lo lắng mà lãnh đạo tỉnh cũng hết sức âu lo. Không lo sao được khi Đồng Nai giáp ranh với Bình Thuận và một lượng lớn thịt lợn và sản phẩm từ lợn được người dân tỉnh ta sử dụng từ Đồng Nai. Trong lúc tỉnh bạn công bố dịch xuất hiện thì cũng là lúc lãnh đạo Bình Thuận liên tục ngược xuôi đến các chốt kiểm dịch để chỉ đạo các lực lượng chức năng và động viên họ hoàn thành nhiệm vụ ngăn chặn dịch bệnh có khả năng xâm nhập vào tỉnh ta. Chống dịch thì không thể chần chừ, nấn ná được, vì chậm một chút thôi có thể gây hậu quả lớn cho cả cộng đồng.

Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh lây lan nhanh với và mọi loại lợn, kể cả lợn rừng; bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu nên  tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo, giày dép nhiễm vi rút hoặc lợn ăn thức ăn thừa của lợn mắc bệnh, thức ăn thừa có chứa thịt lợn nhiễm bệnh…

Lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Triệu chứng ở thể quá cấp tính là do vi rút có độc lực cao, lợn chết nhanh, không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng hoặc lợn nằm và sốt cao trước khi chết. Theo Cục Chăn nuôi trong 1-2 ngày trước khi con vật chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân có chất nhầy và máu.  Còn ở thể cấp tính gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình. Lợn biểu hiện triệu chứng không nghiêm trọng. Lợn sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm toàn bộ phổi nên khó thở…  Để phòng chống bệnh này, đối với các địa phương có ổ dịch xảy ra thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của cơ quan thú y khuyến cáo, chỉ đạo của chính quyền trong việc hạn chế vận chuyển, mua bán lợn không rõ nguồn gốc, lợn bệnh…

Các trang trại chăn nuôi, hộ người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp chăn nuôi an toàn; hạn chế tái đàn, sử dụng giống khỏe mạnh, rõ nguồn gốc, nội tại trong vùng để tái đàn; thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng trại chăn nuôi. Cùng với cơ quan thú y, chăn nuôi phối hợp thực hiện giám sát hàng ngày để phát hiện các dấu hiệu bất thường, các biểu hiện của bệnh dịch tả lợn châu Phi, nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân thì báo cho chính quyền xã để kiểm tra, hỗ trợ xác minh dịch bệnh. Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, thiết nghĩ mọi người tuân thủ tốt “5 không”, đó là: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa có chứa thịt lợn hoặc các sản phẩm từ thịt lợn chưa qua xử lý nhiệt. Thực hiện tốt các quy định của chính quyền, khuyến cáo, hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành, tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh, thiết nghĩ Bình Thuận sẽ ngăn ngừa sự xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh; giảm thiểu các thiệt hại về kinh tế nếu dịch xảy ra.           

Như Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngăn dịch tả lợn vào địa bàn tỉnh