Theo dõi trên

Đầu tư điện mặt trời:  Ngổn ngang mối lo

08/05/2019, 08:30

BT- Nhiều người dự đoán sau 30/6/2019, sẽ diễn ra làn sóng chuyển nhượng dự án điện mặt trời của doanh nghiệp nội cho nước ngoài, hoặc doanh nghiệp nội - ngoại góp vốn đầu tư chung. 

                
   Các dự án điện mặt trời đang khẩn trương    thi công. ảnh: N.Lân

Đi trước

Bên cạnh đẩy mạnh tiến độ thi công phải làm ngày, làm đêm, điều các chủ dự án điện mặt trời tại tỉnh đã đăng ký hòa lưới trước 30/6/2019 rất lo ngại là Cục Điều tiết điện lực không đủ người để đi thẩm định từng dự án theo như kế hoạch. Thực tế, trong một thời gian ngắn nhưng toàn quốc có khoảng 90 dự án điện mặt trời đăng ký hòa mạng, vì vậy công tác thẩm định nghiệm thu, nhất là đối với những dự án hoàn thành gần sát mốc thời điểm rất chật vật. Một chủ dự án điện mặt trời ở xã Vĩnh Hảo – Tuy Phong than thở, đến thời điểm này vẫn còn vài hộ dân có đất nằm trong vùng dự án chưa đồng ý giá đền bù dù đất đó là đất thuê củanhà nước, phải đóng thuế từng năm. Họ cũng nắm biết sự cấp thiết về thời gian của chủ đầu tư nên ra điều kiện rất cao. Cũng vì không thỏa thuận được giá đền bù, công ty quyết định làm cáp ngầm theo đường đi công cộng để nối lưới điện. Có khả năng cuối tháng 5, dự án sẽ hòa lưới nhưng chủ đầu tư này lại đang lo Cục Điều tiết điện lực không kịp đến dự án để thẩm định nghiệm thu.

Đó là nỗi lo rất thật, vì điều đó quyết định sự thành công, thất bại của việc đầu tư. Những dự án điện mặt trời vận hành trước 30/6, được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua  9,35 cents/kwh suốt 20 năm và giá này được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá hối đoái. Còn sau 30/6/2019, giá điện sẽ điều chỉnh theo hướng thấp hơn, nhất là vùng nhiều nắng như Bình Thuận đã xác định sẽ mua với giá thấp nhất trong toàn quốc. Điều đáng ngại khác mang tính quyết định nữa là sau thời điểm 30/6, EVN có thể sẽ giãn tiến độ mua điện tùy thuộc vào khả năng truyền tải của lưới điện. Hiện tại, một số dự án điện mặt trời đã hòa lưới nhưng không biết đến 30/6, khi rất nhiều dự án khác cùng tham gia thì lưới điện ở Ninh Thuận, Bình Thuận có đủ tải?

Theo cảm nhận của nhiều người quan tâm đến lĩnh vực này, hệ thống truyền tải của khu vực miền Trung thường yếu, do từ trước đến nay lưới phân phối điện 110 KV và 220 KV được thiết kế, xây dựng dựa trên nhu cầu vùng miền, địa phương. Và hiện tại cho thấy không có gì đảm bảo, vì việc đầu tư cho hệ thống truyền tải hay nâng cấp hệ thống đang không những cần vốn mà còn cần cả thời gian.    

Đi sau

Trong khi những chủ đầu tư đi trước nhiều nỗi lo lắng như trên thì những nhà đầu tư điện mặt trời đi sau, tức sau 30/6/2019 cũng đứng ngồi không yên, ở thế “được ăn cả, ngã về không”. Vấn đề mấu chốt ở chỗ có ký được hợp đồng mua bán điện với EVN không; nếu ký được thì lượng điện được mua chiếm tỷ lệ bao nhiêu, vì thực tế ngay cả một số nhà đầu tư đi trước cũng phải chịu cảnh tiết giảm điện bán khi đường dây quá tải. Điều này được thể hiện trong một phụ lục kèm theo từ hợp đồng mua bán điện với EVN. Chính phụ lục này như là điểm yết hầu khiến các ngân hàng xem xét sẽ cho giải ngân hay không hoặc giải ngân nhiều hay ít cho bất cứ dự án điện mặt trời nào.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận cho biết đến thời điểm này, có một số dự án điện mặt trời đăng ký hòa lưới trước 30/6/2019 đã được các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh giải ngân. Bên cạnh đó, có những dự án khác chưa thể giải ngân. Lý do chung quy chỉ xoay quanh chuyện nếu lưới điện quá tải, điện không bán được nhiều thì ngân hàng “ôm” thêm một tài sản thế chấp mới là điện mặt trời, rất khó xử…

Vì thế, sau 30/6/2019, sẽ có không ít chủ dự án điện mặt trời đứng trước khả năng có nên đầu tư tiếp hay chuyển nhượng. Đó chính là lý do mà nhiều người dự đoán sau thời điểm này, ở Bình Thuận sẽ diễn ra làn sóng chuyển nhượng dự án điện mặt trời của doanh nghiệp nội cho nước ngoài, hoặc doanh nghiệp nội - ngoại góp vốn đầu tư chung. Đầu tư điện mặt trời tưởng dễ nhưng không dễ chút nào, ít nhất hiện tại có lắm mối ngổn ngang.

Bích NghỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư điện mặt trời:  Ngổn ngang mối lo