Theo dõi trên

“Động lực” và “Rường cột”, bằng cách nào?

07/05/2019, 17:27 - Lượt đọc: 19

BTO- Một sự kiện lớn, đó là “Diễn đàn kinh tế tư nhân” diễn ra tại thủ đô Hà Nội ngày 2/5/2019, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước. Thủ tướng Lý Hiển Long của quốc đảo năng động Singapore phát biểu: “Việt Nam tổ chức diễn đàn kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là động lực và rường cột thúc đẩy đất nước tiến về phía trước. Rất đúng, hiểu đúng sức mạnh của kinh tế tư nhân, Việt Nam đã phát triển nhanh, nhất định rồi đây Việt Nam sẽ càng phát triển nhanh hơn nữa”. Bức ảnh chân dung sinh động mà hai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Lý Hiển Long cùng tự chụp tại một diễn đàn kinh tế lớn tại Bắc Kinh, Trung Quốc vừa diễn ra cuối tháng 4/2019 minh chứng cho sự thân thiện, gần gũi, sẻ chia kinh nghiệm phát triển giữa hai quốc gia bạn bè trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Trở lại “Diễn đàn kinh tế tư nhân” vừa diễn ra tại Hà Nội, trên cơ sở Nghị quyết số 10, của Hội nghị TW 5 (khóa XII) của Trung ương Đảng, vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân Việt Nam trong nền kinh tế Việt Nam đã quá rõ. Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, phát biểu tại diễn đàn, đưa ra hàng loạt số liệu để khẳng định tính “Động lực” và “Rường cột” của kinh tế tư nhân đối với nền kinh tế nước nhà.

Theo đó, khu vực kinh tế tư nhân trong nước, với gần 750.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tạo ra 42 % GDP, đóng góp 30 % ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Thực tế cho thấy, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định tại Diễn đàn “Chúng ta đang chứng kiến sự lớn mạnh, tinh thần đổi mới, khát vọng vươn lên của khu vực tư nhân”. Không ít doanh nhân khu vực kinh tế tư nhân, trong mấy năm gần đây đã vươn cao, bay xa gia nhập câu lạc bộ các triệu phú, tỷ phú đô la của thế giới.

Một nhận xét hay và rất mới thể hiện tại Diễn đàn kinh tế tư nhân lần này, các doanh nhân - doanh nghiệp trong nhiều phát biểu, kiến nghị của mình, họ không đi vào những khía cạnh đời thường - vụn vặt về thuế, về sự nhiễu nhương trong các thủ tục hành chính phiền hà, trong tiếp cận nguồn vốn mà đi thẳng vào những vấn đề cốt tử như: cải cách thể chế, sự đối xử công bằng, tin cậy trong những vấn đề cốt lõi về công nghệ, giao dự án lớn …

Đã có gần chục kiến nghị của khu vực kinh tế tư nhân, kiến nghị Nhà nước, Chính phủ giao các Dự án chiến lược như sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc Bắc - Nam …  cho các tập đoàn kinh tế tư nhân thực hiện. Một Chủ tịch tập đoàn kinh tế tư nhân tự tin khẳng định tại Diễn đàn kinh tế tư nhân này: “Nếu giao cho tư nhân, chúng tôi đủ sức làm sân bay Long Thành trong 10 năm, trong khi đó doanh nghiệp Nhà nước đề xuất thời gian thi công là 30 năm. Nguồn vốn cho thi công, chúng tôi sẽ giảm được 1/3, nhưng chất lượng công trình không hề thua kém.

Một tập đoàn tư nhân trong nước không đủ sức, chúng tôi sẽ cùng nhau liên kết lại, tập hợp 5, 7 hay 10 doanh nghiệp tư nhân lại, sức mạnh của chúng tôi sẽ là gấp bội”. Phát biểu kiến nghị này minh chứng cho nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Sự lớn mạnh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của khu vực tư nhân” đã khác nhiều so với dăm bảy năm, mười năm trước đây (!).

Động lực” và “Rường cột” của khu vực kinh tế tư nhân, bằng cách nào đây? Đó chính là quyết tâm, ý chí và hành động, sự đồng lòng đồng sức từ trên xuống dưới của cả hệ thống chính trị đối với khu vực kinh tế tư nhân. Trả lời được câu hỏi này, lan tỏa và đưa nó vào cuộc sống sinh động hôm nay, chính là điều mấu chốt nhất qua hệ thống các chính sách, thể chế tạo điều kiện thuận lợi nhất, cơ bản nhất, có niềm tin vững chắc khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. 

QUỐC TOÀN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Động lực” và “Rường cột”, bằng cách nào?