Theo dõi trên

Sỏi đá… triệu đô

03/05/2019, 08:41

 BT- Thấy tôi nghi ngờ chuyện có cỏ mọc ở vùng sỏi đá, anh khẳng định như đinh đóng cột: “Cỏ sẽ mọc lên mà! Nhờ những tấm pin này đã hấp thu nhiệt nên bên dưới, đất sẽ dịu mát đi từng ngày”…

                
Cánh đồng pin mặt trời ở Nhà máy điện mặt    trời Eco Seido (Tuy Phong). Ảnh: Ngọc Lân

 “Eco Seido”?

Đã nhìn thấy những tấm pin mặt trời nằm trên hồ Đa Mi – Hàm Thuận Bắc xanh ngắt, sạch bong, tạo quang cảnh chung đẹp long lanh, tôi bỗng thấy thương những tấm pin ở Nhà máy điện mặt trời Eco Seido tại xã Phong Phú –Tuy Phong này. Chúng bị bụi đất phủ trắng, không biết mấy lớp nhưng dùng tay quẹt là thấy một đường màu xanh rõ nét. Nhà máy đang được thi công những ngày cuối cùng cho nghiệm thu nên mọi thứ đều gấp gáp, vội vã. Xe qua, bụi tung lên. Xe lại, bụi vùng dậy. Chốc chốc thêm những cơn gió bất chợt đến, bụi như chờ có thế bay khắp nơi. Những tấm pin đã kết lại thành từng mảng, từng dãy cứ tiếp nối mênh mông qua vùng đồi bên này lại sang bãi bên kia nằm chịu trận bụi phủ. “Sang đầu tháng 5, chuẩn bị phát điện thử nghiệm, chúng tôi sẽ đưa về 2 xe quét bụi, sau đó mới dùng nước rửa tấm pin. Những con đường đi trong khuôn viên dự án sẽ láng nhựa để giảm bớt bụi. Theo thời gian, vùng dưới tấm pin này, cỏ sẽ mọc lên” -  anh Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc dự án Nhà máy điện mặt trời Eco Seido nói rất lạc quan. Thấy tôi nghi ngờ chuyện có cỏ mọc ở vùng sỏi đá, anh khẳng định như đinh đóng cột: “Cỏ sẽ mọc lên mà! Nhờ những tấm pin này đã hấp thu nhiệt nên bên dưới, đất sẽ dịu mát đi từng ngày”.

 Anh Hải, dân kỹ thuật, nhà ở Hà Nội. Nhưng như anh nói nhiều tháng trong năm, anh ở công trình. Công trình bỗng thành nhà, ở lâu đến độ nắm bắt hết nhịp thở của đất, của khí hậu từng nơi. Vào Tuy Phong đã 4 tháng qua, thời gian được xem là đỉnh điểm của mùa nắng gió ở đây, anh cảm nhận vùng đất sỏi đá nằm trong dự án này chưa bao giờ có mầm xanh. Vì đất nóng, nóng từ ánh mặt trời chiếu quá 10 giờ trong ngày, rồi đá sỏi trong đất tỏa nhiệt, lại không có nước, dẫu là nhiễm vôi, phèn. Những ngày đầu đến đây, khoan nhiều nơi tìm nước nhưng chỉ có nước khoáng mằn mặn. Tìm nước ở sông suối ao hồ thì đều không. Phải ký hợp đồng với Ban quản lý công trình công cộng Tuy Phong mua nước sinh hoạt cho thi công một dự án, cụ thể giai đoạn 1 này rộng đến hơn 58 ha. Nếu như vì cúp điện hay vì bất cứ lý do gì, thình lình nước máy không có thì sao. Không có phương án phụ. Ban giám đốc công trình quyết định xây một cái bể lớn và mở vòi nước sinh hoạt suốt ngày đêm để nước chảy đầy bể. Nhưng hình như chưa bao giờ có cảnh đầy bể ấy, vì ngoài dùng cho tắm táp, ăn uống của gần 300 công nhân, hàng ngày nước sinh hoạt này còn dùng để trộn bê tông đổ cọc.

                
Công nhân đang lắp đặt những tấm pin. Ảnh:    Ngọc Lân

Anh Hải lật sổ sách. Đến cuối tháng 4/2019, công trình đã khoan 42.346 lỗ cọc và đã đổ hàng chục tấn bê tông cọc giá đỡ tấm pin. Việc này tập trung vào tháng 3, 4 nên lượng nước sử dụng vào thời gian trên lên 2.000 - 2.200 m3/ tháng. Như tháng 4, công ty phải trả 31 triệu đồng tiền nước. “Sắp tới phải rửa hàng chục nghìn tấm pin, không biết có đủ nước?” - Tôi lo ngại hỏi khi cảm nhận cái nắng nóng của Tuy Phong không có hướng gì suy giảm, nước các hồ thủy lợi trên địa bàn bốc hơi dữ dội. “Có công nghệ rửa tấm pin của nước ngoài chỉ 1 lít nước rửa được 1 m2 tấm pin”- anh Hải bình thản, nói từ từ theo đúng phong cách người Hà Nội. Tôi bỗng hiểu ra cái tên của nhà máy: Eco Seido, theo nghĩa tiếng Anh là “Tiết kiệm chính xác” nhưng trong hoàn cảnh này tôi muốn hiểu theo nghĩa “Tiết kiệm hợp lý” hơn.

 “Bắt nắng, bắt gió”

Vòng quanh khuôn viên giai đoạn 1 của dự án mới cảm nhận địa thế của Eco Seido thật đẹp, thật hùng vĩ, có sức thu hút vì sự ẩn hiện đặc biệt. Cứ tưởng chỉ có cánh đồng đầy tấm pin ở trước mặt nhưng khi đi hết lại gặp trang trại pin mặt trời khác ẩn sau bên kia đồi. Những cánh đồng pin mặt trời có độ chập chùng khác lạ. Sao không ủi bằng phẳng như những dự án điện mặt trời khác nhỉ? Tôi lại tò mò hỏi, dù biết nếu vậy sẽ không có quang cảnh đẹp như hiện tại. Anh Hải nói cứ như một lão nông tri điền. Đất này dễ tổn thương nên ngay từ khi triển khai thi công dự án, Ban giám đốc đã chọn phương án giữ nguyên địa hình cồn bãi mấp mô, vùng cao, đoạn thấp, cứ thế khoan lỗ, đổ bê tông, lắp ráp pin. Đó là một quyết định mà càng về sau này càng thấy sáng suốt, khi chứng kiến nơi đi lại nhiều, đất nhũn ra tan tành thành bụi mùn, bay trong không gian, không có cách gì khống chế nổi. Rồi khi khoan lỗ cọc giá đỡ tấm pin, là gặp sỏi, gặp đá lại phát tán bụi khi gió bất ngờ tới. Mà gió Tuy Phong như bão nhỏ ở nơi khác nên phải đo gió rồi quyết định khoan lỗ sâu đến mức nào, đặt tấm pin ra sao. Chưa hết, còn thử cho máy có sức nặng 2,5 tấn nhổ cọc lên…Cuối cùng chọn khoan lỗ sâu khoảng 1,7m. Khoan cọc nhồi đến đâu, đổ bê tông, lắp ráp tấm pin đến đó. Công nhân thi đua làm ngày, làm đêm để đáp ứng tiến độ phải hòa lưới trước 30/6/2019, hưởng giá điện ưu đãi 9,35 cent trong vòng 20 năm.

“Và bây giờ, công đoạn “bắt nắng” giai đoạn 1 ở xã Phong Phú đã cơ bản hoàn thành. Sau đó, chúng tôi sẽ làm giai đoạn 2, 3 sang địa bàn xã Phú Lạc để đạt tổng công suất 100MW. Chưa hết, trên những ngọn đồi này, chúng tôi sẽ lắp những trụ điện gió, vừa bắt nắng, vừa bắt gió để sinh ra điện”. Cái cách anh Hải nói về làm năng lượng xanh sạch cứ nhẹ tênh như thế, như tên gọi của công ty anh, Công ty TNHH Năng lượng xanh Eco Seido. Mà không đâu xa, hiện bên cạnh dự án ở phía Đông Nam đã thấy thấp thoáng những cánh quạt gió của Nhà máy điện gió Phú Lạc đang quay. Mường tượng khi ấy, có thể trước hoặc sau 2020, nơi vùng giáp ranh 2 xã Phong Phú, Phú Lạc này sẽ hiện đại, khoa học, tiết kiệm đất đến thế nào, khi điện gió ở trên cao, điện mặt trời ở dưới thấp. Một mô hình gọi là tổ hợp năng lượng tái tạo. Không chỉ thể hiện sự hòa hợp mà còn kinh tế nữa. Những ngày qua, báo chí thông tin về một mô hình như thế đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận, đã khẳng định thêm một hướng phát triển khác của những vùng đất hoang hóa ở Bình Thuận, khi quỹ đất cho điện mặt trời đã không còn… 

 Rồi cỏ xanh sẽ mọc

Đầu năm 2019, một người bạn ở Hà Nội điện thoại í ới, mong tôi ở vị trí là thổ địa ở Bình Thuận tìm mua giùm 1.000 ha đất cho một tập đoàn Singapore làm điện mặt trời với dự án có tổng vốn lên mấy triệu đô. Là đất hoang hóa càng tốt nhé, vì giá sẽ rẻ. Chọn vùng có giờ nắng nhiều nhé, vì điều ấy đáp ứng đúng tiêu chí điện mặt trời… Bỗng dưng, tôi thành môi giới đất đai bất đắt dĩ. Địa bàn tôi nghĩ đến đầu tiên là Bắc Bình, Tuy Phong. Nhưng chỉ vài cuộc điện thoại, tôi nhận về kết quả như nhau: Hết đất. Những vùng đất mà lâu nay dân không thể sản xuất đều đã lấp kín dự án điện mặt trời. Chính quyền Tuy Phong gợi ý. Chỉ có thể phối hợp với các chủ dự án điện gió, để một vùng đất tận dụng được năng lượng gió ở trên cao, năng lượng nắng ở dưới thấp. Đó là hướng sẽ phát triển trong nay mai. Tuy Phong hiện có 21 dự án điện mặt trời cả ở trong và ngoài quy hoạch. Đợt hòa lưới trước 30/6 này có 8 dự án đang đẩy mạnh thi công. Có lẽ, dự án điện mặt trời Eco Seido này với tiềm năng địa hình có nhiều đồi bãi chập chùng là có thể phát triển thêm điện gió. Và còn bao nhiêu dự án điện gió khác đang muốn làm thêm điện mặt trời?

Chợt nhớ lời anh Hải khẳng định rằng rồi cỏ xanh sẽ mọc dưới những tấm pin mặt trời, tôi ngờ ngợ về điều tươi sáng ấy. Vì đã bao nhiêu đời, vùng đất Tuy Phong vẫn khắc nghiệt với nắng gió, với khan hiếm nước. Hơn 20 năm qua đi về vùng đất này, tôi chứng kiến 3 công trình thủy lợi lớn nhỏ hình thành nhưng vẫn không giúp nhiều vùng đất ở đây bớt khắc nghiệt. Mãi đến khi điện gió, điện mặt trời vào đã biến điểm yếu ấy thành thế mạnh. Ai nghĩ vùng sỏi đá thu hút được dự án triệu đô. Tôi bỗng tin rồi cỏ sẽ phủ xanh dưới những tấm pin điện mặt trời...

Phóng sự: Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sỏi đá… triệu đô