Theo dõi trên

Tìm đến quyển sách tiếng Việt đầu tiên in năm 1651

03/05/2019, 08:26

BT- Từ thành phố Tuy Hòa, chúng tôi vượt 35 km về phía Bắc để đến xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Linh mục quản xứ giáo xứ Mằng Lăng Trương Minh Thái  tiếp chúng tôi trong căn phòng đậm đặc không gian Việt bởi được trang trí nhiều nông cụ, vật dụng của người Việt xưa. Căn phòng nằm bên trái ngôi nhà thờ nổi tiếng, đó là một trong những nhà thờ cổ của Việt Nam, nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng năm 1892. Mục đích chính của chúng tôi là được tận mắt nhìn thấy quyển sách tiếng Việt đầu tiên do nhà ngôn ngữ học Alexandre de Rhodes biên soạn.

Cũng xin nói cho rõ, linh mục, nhà ngôn ngữ học Alexandre de Rhodes là người góp phần rất quan trọng trong việc hình thành chữ quốc ngữ ta hiện nay. Ông có hai quyển sách tiếng Việt đầu tiên cùng in năm 1651 tại Roma là Từ điển Việt - Bồ - La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latium) và quyển Phép Giảng Tám Ngày. Quyển sách mà chúng tôi đề cập là quyển Phép Giảng Tám Ngày, in tại Roma, Italia, 1651, hiện đang được cất giữ tại nhà thờ Mằng Lăng.

Linh mục Trương Minh Thái nói giọng Phú Yên rất ngọt ngào, ông tiếp chúng tôi hết một lượt trà mới vào trong mang báu vật ra, hai tay ông nâng quyển sách rất trân trọng. Bìa sách bọc vải, các chữ bên ngoài đã mờ tuy vậy trang trong  đầu quyển sách vẫn còn nguyên nội dung. Dòng chữ in tiếng La Tinh CATHECHISMVS  BAPTISMVM (giáo lý gia nhập đạo). Một dòng chữ tiếng Việt của thời kỳ đầu tiên: “Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn rửa tội, mà theo (còn giữ theo ký tự Hy Lạp) đạo thánh đức Chúa Blời  (Trời)”. Dòng dưới là tên tác giả: Alexandro de Rhodes, in ở Roma ngày 8/7/1651, (đây là thời điểm ngay cả châu Á cũng chưa biết kỹ thuật in ấn-tg). Ngoài ra còn có một dấu duyệt chuyển cho phép in của Tòa thánh Vatican. Bố cục trong sách chia làm hai cột, một cột tiếng La Tinh và một cột tiếng Việt, trong phần tiếng Việt vẫn còn nhiều ký tự Hy Lạp. Có đối chiếu thực tế giữa hai bên ta mới thấy sự kỳ diệu từ việc chuyển từ ngôn ngữ đa âm sang đơn âm.

Hiện tại một công ty bảo hiểm của Mỹ đã định giá bảo hiểm cho quyển sách là 65.000 USD nhưng hợp đồng vẫn chưa thực hiện được vì các điều khoản chưa dứt khoát. Đây là báu vật duy nhất còn lại liên quan đến sự phát triển ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc Việt.

Câu chuyện tìm và đem về được quyển sách quý này cũng thật lạ lùng. Linh mục Trương Minh Thái kể, trước đây ông có nghe các cha bề trên nói về quyển sách, trong các chuyến sang Pháp ông đều cất công đi tìm nhưng tìm mãi không ra. Mãi đến năm 2003, ông sang Bồ Đào Nha, ông lại quyết tâm vào các thư viện cổ để tìm, thật lạ là quyển sách lại nằm yên trên kệ của một thư viện dòng Tên nhỏ, người quản thư viện là một tu sĩ già hơn 80 tuổi nhưng cực kỳ đam mê sách. Nghe linh mục Thái trình bày nguyện vọng xin đưa quyển sách quý về quê nhà thì điều đó lại vượt quá quyền của ông nên ông phải trình chuyển lên các cha bề trên. Được biết linh mục Thái đang quản xứ Mằng Lăng, Phú Yên, các cha bề trên rất cảm tình vì họ biết rõ ở đó có khu lưu niệm và thờ thánh An-rê Phú Yên, đồ đệ người Việt của Alexandre de Rhodes, đứa trẻ được chọn để nói và đối chiếu tiếng Việt đầu tiên và cũng là thánh tử đạo đầu tiên của Việt Nam. Sau khi hội ý, các cha bề trên ở đây quyết định tặng lại quyển sách quý giá này cho linh mục Trương Minh Thái mang về quê nhà.

Cũng xin nói thêm trong phần lịch sử ngôn ngữ Việt giai đoạn đầu như sau:  Vào thế kỷ thứ XVI, Ki Tô giáo truyền sang phương Đông trên cung đường thương thuyền Âu – Á. Trên các thương thuyền Bồ Đào Nha lúc bấy giờ còn có các linh mục tuyên úy cho thủy thủ đoàn và các cha dòng Tên. Ngày 25/1/1576, giáo phận Macao được thành lập gồm Nhật, Macao, Trung Hoa, Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. Ngày 18/1/1615, đoàn thừa sai dòng Tên - Bổ Đào Nha  đã có mặt ở cửa Hàn. Đến năm 1617, các linh mục ở đây đều bị trục xuất bởi Chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên nhưng lúc đó thuyền không ra khơi được vì gió mùa nghịch. Các linh mục được quan tuần phủ Quy Nhơn, ông Trần Đức Hòa, đưa về Quy Nhơn trị bệnh và năm 1618, ông cho lập cư sở Nước Mặn để các nhà thừa sai làm việc và truyền đạo. Lúc bấy giờ có linh mục Buzomi, linh mục Pina, linh mục Borri và tu huynh Diza. Tại cư sở Nước Mặn, các linh mục nêu trên đã chuyên tâm nghiên cứu lối sống, văn hóa, tập tục, ngôn ngữ. Các linh mục đã ghi lại tiếng Việt bằng mẫu tự La Tinh tương ứng với cách phát âm. Dần dần bản phiên âm bằng mẫu tự La Tinh được ghép với chữ Nôm tạo nên hình thái đầu tiên về việc La Tinh hóa ngôn ngữ Việt Nam. Sau đó, linh mục Alexandre de Rhodes hoàn thiện bằng quyển tự điển Việt - Bồ - La và quyển Phép Giảng Tám Ngày như đã nêu trên.

Có một chi tiết trên quyển sách đã được các nhà chuyên môn ở châu Âu xác nhận đó là các chữ in chìm trên phần lề của các trang sách. Chúng tôi đã được linh mục Thái cho xem các chữ chìm này bằng cách để sách ngược ánh sáng mặt trời. Nếu sách không có chữ chìm này là sách in lại, không phải bản gốc.

Đem cất quyển sách quý vào kho bí mật, linh mục Trương Minh Thái bước ra rót mời chúng tôi một tuần trà nữa. Ông nói: Gần đây đã có hai cuộc đột nhập, vì vậy cần chuyển báu vật này cho công ty bảo hiểm là rất cấp thiết. Chúng tôi thiết nghĩ  bảo vệ và bảo quản được quyển sách quý này không chỉ là vấn đề của nhà thờ mà nó còn là vấn đề của cả dân tộc.

Ghi chép : Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm đến quyển sách tiếng Việt đầu tiên in năm 1651