Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Từ lý thuyết đến thực tiễn

26/04/2019, 10:19

BT- Nhân theo dõi Hội nghị trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về “Bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường” (17/4/2019), nhìn lại sự chỉ đạo trong vòng 3 năm qua, nội dung này cũng không có gì mới.

Ảnh minh họa

 Một rừng văn bản chỉ đạo

Ngày 3/10/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1299/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 – 2025”; Văn bản Bộ GDĐT ban hành (theo thời gian): Chỉ thị số 505/CT-BGDĐT (20/2/2017) “Về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn trong các cơ sở giáo dục”; Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT (7/5/2018) “Về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo”; Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT (28/12/2017) Ban hành “Chương trình hành động phòng, chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017 – 2021”; Quyết định số 1235/QĐ-BGDĐT (30/3/2018) Phê duyệt Đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên đến năm 2020”; mới nhất là Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT (12/4/2019) “Quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên”.

Với hàng loạt văn bản chỉ đạo yêu cầu các đơn vị thực hiện khá đầy đủ trên các phương diện cho an toàn trường học mà hiện tượng tiêu cực không giảm, có chiều hướng tăng lên, liên tục xảy ra những sự cố từ thi cử đến đạo đức nhà giáo, phụ huynh, học sinh, sự cố nào cũng gây bức xúc trong suy nghĩ, tình cảm cộng đồng. Đơn cử như Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT (7/5/2018), chưa đầy một năm, nhưng vẫn cứ có người vi phạm nhân cách đạo đức nhà giáo – xâm phạm thân thể học sinh không thể chấp nhận (hiện tượng Trường tiểu học Tân Xuân 2 – dĩ nhiên hiện tượng này không chỉ có trong một tỉnh). Nhiều thầy cô tâm huyết với nghề cũng bức xúc không hiểu tại sao cứ liên tục diễn ra trong chính ngành mình rúng động đến như vậy!

 Đâu chỉ nói có để báo cáo

Nhìn lại, tất cả những văn bản chỉ đạo trên ra đời sau khi sự việc đã diễn ra ở các cơ sở. Khi sự việc đã xảy ra, mới thanh tra, định danh định tội. Bộ GDĐT luôn ở trong tư thế bị động, đối phó, để cho đê vỡ nước tràn mới thổi còi cấp cứu, chưa đi trước để tìm kẻ nức, tổ mối ngầm đang đục khoét lặng lẽ vô cùng nguy hiểm trong thân đê, chưa thấy chăm bón tận tụy gốc rễ mà cứ đi uốn nắn trên ngọn.

Vấn đề đặt ra ở đây là xây dựng chiến lược giáo dục, từ trong gia đình đến nhà trường, phương pháp dạy học từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông, chưa thấy sự thống nhất triệt để, còn rơi vào hình thức kêu gọi, hô hào nhiều hơn chuyên tâm thực hiện. Có nhiều nội dung Bộ cử người tham khảo nhiều nơi về triển khai tập huấn, nhưng còn rơi vào lý thuyết. Rồi từ tập huấn cấp Bộ, về đến địa phương triển khai lại, rơi rớt quá nhiều. Thậm chí có những đơn vị cử người đi tiếp nhận, về đến cơ sở, dừng lại ở đấy, không ít người chẳng mấy quan tâm. Nên từ văn bản chỉ đạo đến thực hiện còn chênh lệch, chưa có biện pháp kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ về hiệu quả. Trách nhiệm này thuộc về người đứng đầu các đơn vị từ trên xuống dưới.  

Như về giáo dục kỹ năng sống, một nội dung mà cả thế giới quan tâm thực hiện từ trong gia đình đến nhà trường ngay từ khi còn ở bậc mầm non, để các cháu từng bước ứng dụng trưởng thành, ở ta, mấy nơi thực hiện được! Ví như dạy các cháu về phản ứng tự vệ thân thể – như một phản xạ bản năng, tất góp phần không nhỏ nhanh chóng chặn đứng kịp thời hành vi bị kẻ khác xâm hại thân thể. Rồi hàng loạt các chuyên đề như “phương pháp kỷ luật tích cực”, “tư vấn tâm lý học đường”… nhưng đến nay vận dụng vào thực tiễn được bao nhiêu. Trao đổi đến đây, chợt nhớ câu Kiều: “Rằng hay thì thật là hay/Nghe ra …”, bởi văn bản chỉ đạo luôn có cụm từ “phòng, chống”, nhưng khi đi vào cuộc sống còn mang tính hình thức. 

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Từ lý thuyết đến thực tiễn