Theo dõi trên

Dưới tán cây gỗ chiều

19/04/2019, 09:40

BT- Người anh họ ngỏ ý muốn làm một bộ lục bình bằng gỗ chiều nên nhờ tôi đi tìm cây giúp. Gỗ chiều miệt này chỉ trồng ở trường học là nhiều. Cây nào cây nấy to mấy người ôm mới xuể. Tôi về ngôi trường tuổi thơ định ngỏ lời với người quen để xin vài nhánh tiện lục bình. Trường giờ xây dựng lại khang trang, có vòng thành bao quanh và cổng vào bề thế. Đang giờ học, sân trường vắng lặng chỉ văng vẳng tiếng giảng bài vọng ra từ các phòng. Tôi đành đi vòng quanh sân thăm mấy cây gỗ chiều xem thử cành nào đẹp để tiện lục bình được.

                
Ảnh minh họa

So với thời xưa, sân trường chẳng đổi thay là bao. Cái nắng tháng tư gay gắt nhất trong năm bị chặn phía trên tán lá to xòe. Nhìn lên cao, những nhánh cây vươn dài, phân bố tua tủa ra xung quanh rất đều, tán cây xòe rộng ra như chiếc ô khổng lồ che mát một khoảnh sân rộng. Bởi thế dù chỉ có 5 cây gỗ chiều nhưng cả khoảng sân rộng vẫn rợp bóng mát.

Tôi sờ vào lớp vỏ chai sạn của cây gỗ chiều to cao nhất, lớp vỏ thô ráp lòng bàn tay. Và phía trên đầu tôi một chút còn dấu vết nu lên của thịt cây mà ở giữa là một lỗ to. Đó là dấu vết của mảnh đạn găm vào trong những năm chiến tranh ác liệt. Hồi tôi còn bé, có lần khi nói về chiến tranh thầy đã chỉ cho chúng tôi vết thương của cây gỗ chiều này. Khi ấy cái lỗ ở giữa còn sâu hoắn chứ chưa được lấp đầy như bây giờ.

Lúc ấy tôi còn bé vẫn chưa hiểu hết cái ác liệt của chiến tranh. Quanh trường còn nhiều dấu vết của những năm khói lửa. Xưa kia nơi đây là đồn của ngụy quản lý vùng ấp chiến lược toàn vùng. Sau giải phóng được dùng làm ủy ban xã, rồi chuyển sang làm trường học. Bãi đất trống quanh trường do vậy còn sót lại đầu đạn rất nhiều. Bọn học trò nghịch ngợm chúng tôi mỗi khi ra chơi thường lén trốn sang đây tìm đầu đạn để chơi. Đầu đạn được lũ nhóc chúng tôi ném ra xa rồi bịt tai lại khoái chí nghe tiếng nổ vang to như tiếng pháo cối. Có khi chúng tôi tìm được đầu đạn to còn nguyên nhưng khi ném lại không nổ. May sao những trò nghịch ngợm chưa gây ra thương tích gì nguy hiểm cho lũ trẻ chúng tôi. Trên bãi đất trống còn một tấm bia ghi dấu chiến công đập tan căn cứ ấp chiến lược, mở màn cho cuộc tổng nổi dậy giải phóng Bình Thuận. Bây giờ khu đất trống ngày xưa giờ chẳng còn táo dại mọc đầy mà được san lấp xây quán xá. Tất cả yên bình như thể trên mảnh đất này chưa từng xảy ra đau thương mất mát.

Lan man nghĩ lại những chuyện ngày xưa cũ, đến khi người quen ra gặp hỏi han nguyên nhân chuyến ghé thăm lại chẳng dám nói ra mục đích ban đầu nữa. Bởi làm sao có thể  để lại thêm vết thương trên thân những “chứng nhân lịch sử” được nữa. Chúng phải được sống cuộc sống yên bình qua tháng, ngày nào cũng cần mẫn dang rộng vòng tay che nắng và gió của miền gió cát để lũ học trò vô tư chơi bắn bi, nhảy dây dưới gốc cây.

Đứng dưới tán cây gỗ chiều ngày xưa, nhìn nụ cười ngây thơ trẻ con, lòng tôi lại bật trào cảm xúc mà ngâm rằng:

Đau thương ơi xin rời xa mãi mãi

Chỉ đọng hoài ký ức tuổi thơ ngây!

Ngân Vy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dưới tán cây gỗ chiều