Theo dõi trên

Mở đợt cao điểm chống thực phẩm giả, kém chất lượng

18/04/2019, 09:50

BT- An toàn thực phẩm là vấn đề hiện đang được xã hội hết sức quan tâm và là đòi hỏi chính đáng của mọi người. Thời gian qua, nhận thức của người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm được nâng lên, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cũng đã có sự quan tâm chỉ đạo và triển khai nhiều biện pháp để phòng chống thực phẩm giả, thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm còn khá phổ biến trên phạm vi cả nước cũng như từng địa phương. Các vi phạm thường thấy như sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn; thực phẩm quá hạn sử dụng; thực phẩm bị nhiễm khuẩn, hóa chất độc hại… Vì vậy tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở mọi nơi, mọi lúc. Tại Bình Thuận, theo thống kê của ngành chức năng trong 5 năm gần đây có trên 2.000 cơ sở bị xử lý vi phạm an toàn thực phẩm với số tiền phạt hơn 7 tỷ đồng. Gần đây nhất là vụ ngộ độc tập thể tại 2 đám cưới ở Phan Thiết và Hàm Thuận Bắc vào cuối tháng 3/2019 với gần 100 người cấp cứu, chủ cơ sở bị phạt 8 triệu đồng. Trước đó cũng có nhiều vụ ngộ độc tập thể với số người rất đông như 185 cháu bé bị ngộ độc thực phẩm tại Trường mẫu giáo Phước Thể (Tuy Phong); vụ 173 người bị ngộ độc do pa-tê “bà Tú” ở Bắc Bình; vụ hơn 70 du khách bị ngộ độc ở Hàm Tiến - Mũi Né…

Việc tổ chức Tháng hành động vì an toàn thực phẩm hàng năm là dịp để tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi người về tầm quan trọng của thực phẩm đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người và tương lai của giống nòi, qua đó đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm. Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 được tổ chức trên phạm vi cả nước từ 15/4 đến 15/5, với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Mục tiêu đề ra là phải giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Đây không chỉ là mục tiêu trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm mà cũng là mục tiêu xuyên suốt, để hướng tới một xã hội tiêu dùng thông minh.

Để tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan truyền thông đại chúng của tỉnh và các cơ quan chức năng có liên quan đến lĩnh vực quản lý thực phẩm như y tế, công thương, nông nghiệp, du lịch… phát động một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ về tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn.

Gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm. Nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương với các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong đảm bảo an toàn thực phẩm. Phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với tuyên truyền cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các hàng quán phục vụ khách du lịch. Tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Hiện người sản xuất thực phẩm sạch (rau sạch, thanh long sạch, thịt sạch…) đang gặp khó trong khâu tiêu thụ. Vì vậy bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng tiêu thụ thực phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe, thì cần có cơ chế chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ nông nghiệp xây dựng triển khai chuỗi liên kết an toàn thực phẩm để đưa thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Khuyến khích chính quyền địa phương, doanh nghiệp đầu tư cải tạo chợ, xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm; xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp, thủy hải sản an toàn cũng như việc quảng bá, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản an toàn.

THẾ NAM



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh họp phiên thứ 10
BTO-Sáng 23/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh tổ chức phiên họp để thảo luận, cho ý kiến về kết quả hoạt động quý I và phương hướng, nhiệm vụ quý II/2024. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh -Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) tỉnh chủ trì phiên họp.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mở đợt cao điểm chống thực phẩm giả, kém chất lượng