Theo dõi trên

“Nóng” vì… nước sinh hoạt

18/04/2019, 09:29

BT- Đã gần cuối tháng 4, một số nơi trong tỉnh như Đức Linh, Tánh Linh…có mưa đầu mùa nhưng hầu hết đều mưa lất phất, chưa có nhiều nước. Một số công trình thủy lợi đã bắt đầu khô nước như hồ Tà Mon, hồ Sông Phan. Nhiều nơi trong tỉnh chưa có công trình cấp nước sinh hoạt, lâu nay chỉ sử dụng nước giếng hay tận dụng tích lũy nước trời mưa thì đến nay đã lục đục đi mua nước bên ngoài sử dụng, đẩy giá nước lên cao đến 180.000 đồng/m3. Ở những nơi có hệ thống cấp nước sinh hoạt, người dân cũng phải đi mua nước, chỉ vì công suất hệ thống cấp nước không đáp ứng nhu cầu dân cư tại chỗ. Ví dụ, như tại TP.Phan Thiết, những nơi nổi tiếng thiếu nước sinh hoạt như Mũi Né, Thiện Nghiệp vào thời điểm này đã nhộn nhịp chuyện mua bán. Theo đó, giá nước sinh hoạt ở đây đã bắt đầu tăng lên, ai mua lẻ sử dụng hàng ngày cứ một can 15 lít có giá 2.000 - 3.000 đồng. Riêng những ai bắt nước chuyền từ những hộ có hợp đồng sử dụng nước của Trung tâmnước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (TTNS&VSMT)...

Theo đó, mùa khô năm 2019 này toàn tỉnh hiện có 6 hệ thống cấp nước sinh hoạt có công suất thấp hơn nhu cầu dùng nước của người dân cần được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Cụ thể, hệ thống nước Lương Sơn, huyện Bắc Bình có công suất 1.000 m3/ngày nhưng nhu cầu sử dụng hiện đã tăng lên gần 1.400 m3/ngày; Công trình cấp nước Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết hoạt động vượt công suất thiết kế 800 m3/ngày và hiện nhu cầu đã sử dụng trên 1.000 m3/ngày; Trạm cấp nước Mũi Né (TP.Phan Thiết) đang cấp khoảng 1.000m3/ngày, tuy nhiên nhu cầu sử dụng đến 2.000m3/ngày; 2 nhà máy nước tại Hàm Đức, Phú Long (Hàm Thuận Bắc) có công suất khoảng 2.200 m3/ngày, trong khi nhu cầu sử dụng trên 3.000 m3/ngày; 2 nhà máy tại Hàm Mỹ, Hàm Kiệm khoảng 1.600 m3/ngày, nhưng nhu cầu hiện trên 2.500 m3/ngày và Nhà máy nước Tân Minh có công suất khoảng 800m3/ngày, tuy nhiên nhu cầu đến 2.000 m3/ngày.

Với 6 hệ thống cấp nước sinh hoạt đang báo động trên, Trung tâm TTNS&VSMT cũng đã vạch ra giải pháp bổ sung nước để khắc phục tình trạng thiếu nước nhưng hầu hết đều có trở ngại hoặc phải kéo dài thời gian, vì nhiều lý do. Trước hết, là do thiếu vốn, phải chờ đợi các thủ tục đối với những công trình sử dụng vốn vay ODA ưu đãi của Chính phủ Ý... Sau nữa, nếu làm giải pháp cấp thời như khoan giếng bổ sung nước cấp thì cũng phải chờ đợi vì những thủ tục liên quan đến cấp phép như thẩm định, khoan thăm dò, khai thác nguồn nước ngầm…Chính vì vậy, mùa khô năm nay cũng báo hiệu sẽ “nóng” vì nước sinh hoạt, cả ở những khu vực có và chưa có hệ thống cấp nước.

Theo dự báo của Trung tâmkhí tượng quốc gia, tổng lượng mưa tại khu vực Trung bộ trong tháng 5-6/2019 phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 10-30%. Đồng thời cũng cảnh báo thiếu hụt mưa trong tháng 5. Hiện tại, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kế hoạch ban đầu cho sản xuất vụ hè thu đã cắt còn 15.000 ha, nếu sắp tới trời không mưa thì diện tích trên sẽ còn bị cắt tiếp. Mục đích chính là  phải bảo đảm nước sinh hoạt cho nhân dân. Nếu đến giữa tháng 5 mà trời vẫn chưa mưa, chưa có nước để tích ở các hồ thì tình hình thiếu nước sinh hoạt ở nhiều nơi trong tỉnh sẽ bước vào đỉnh điểm.

 HẢo Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Nóng” vì… nước sinh hoạt