Theo dõi trên

Đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao

16/04/2019, 09:45 - Lượt đọc: 18

BT- Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ tạo cơ hội lớn giúp Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động thấp đang là thách thức lớn, đòi hỏi phải đổi mới toàn diện hơn nữa khâu đào tạo nhân lực, sẵn sàng cho thời kỳ mới… 

                
   Trường Đại học Phan Thiết và TechData Hàn    Quốc ký kết hợp tác đào tạo nghề du lịch.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc ban hành nhiều quyết sách quan trọng để nâng cao chất lượng cũng như kỹ năng, tay nghề cho người lao động qua định hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội. Điển hình là lĩnh vực giáo dục, trong năm 2 năm (2017 – 2018), tỉnh có thêm 45 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường công lập đạt chuẩn quốc gia đến cuối năm 2018 lên 224/571 trường. 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển mới đào tạo nghề cho trên 22.300 người.

Bên cạnh liên kết với nhiều cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trong nước, các cơ sở đào tạo đã và đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển nhân lực dưới nhiều hình thức. Cụ thể, Trường Đại học Phan Thiết ký kết thỏa thuận hợp tác với các tổ chức: Tech Data Corporation Hàn Quốc trong đào tạo du lịch; Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Quản lý Ba Lan đào tạo công nghệ thông tin… Trong khuôn khổ Dự án VSEP, các chuyên gia nước ngoài đã tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận, cùng tham gia xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình giảng dạy… Được biết, ước trong 3 năm 2017 - 2019, ngân sách nhà nước cân đối vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng cho việc xây dựng cơ sở vật chất các trường học phổ thông, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Mặc dù vậy, có thể nhìn nhận rằng, hơn 2 năm qua, nguồn nhân lực có trình độ cao còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển một số lĩnh vực như: nông nghiệp công nghệ cao, điện gió, điện mặt trời. Tình trạng bỏ việc sau đào tạo như viên chức ngành y tế; cán bộ, công chức cấp xã, làm ảnh hưởng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Đầu tư đào tạo nghề trọng điểm

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung đầu tư đào tạo các nghề trọng điểm. Qua đó, đáp ứng nhu cầu nhân lực để thực hiện 3 đề án xây dựng Bình Thuận thành: Trung tâm năng lượng, trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan, trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia. Đối với các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho người lao động về ý thức trách nhiệm đối với công việc và xây dựng lối sống văn hóa, có đạo đức nghề nghiệp.

Đặc biệt, đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa hoạt động đào tạo, dạy nghề, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tổ chức đào tạo nghề với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt. Riêng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo phù hợp với yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Tập trung vào một số lĩnh vực như: du lịch, dịch vụ, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, xuất khẩu lao động. Trong đó, chú ý đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho công nhân lao động chưa qua đào tạo trong các doanh nghiệp.

    
    Tỷ   lệ lao động qua đào tạo đến năm 2019 ước đạt 67%, tỷ lệ lao động qua đào   tạo được cấp bằng hoặc chứng chỉ nghề năm 2019 ước đạt 25,5%. Ước đến   năm 2019, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp huyện, cấp tỉnh đạt chuẩn theo   chức danh vị trí việc làm đạt 93%...

 THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao