Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Khó quên khi sống với nghề

12/04/2019, 07:50

BT- Đọc bài “Chuyện ra đề thi” (trên Bình Thuận cuối tuần), nhiều đồng nghiệp hỏi, suốt thời gian dài tham gia ra đề, chúng tôi có kỷ niệm nào đáng nhớ? Kỷ niệm thì nhiều – nhưng có số chuyện ấn tượng khó quên.

 Đi tìm cái mới

Hồi thập niên 70 – 80 thế kỷ XX, từ Bộ đến các địa phương ra đề thi môn Văn chỉ có một câu nghị luận – chủ yếu nghị luận văn học. Khi sở giao chúng tôi ra đề thi tốt nghiệp PTCS và tuyển sinh 10 PTPT (nay là THCS – THPT), thấy cấu trúc chương trình dạy học cấp PTCS có 3 phân môn: Văn – Tiếng Việt – Làm văn. Trong đó, phân môn Tiếng Việt chiếm 1/4 chương trình, nhưng chưa khi nào thấy ra đề kiểm tra kiến thức về phân môn này. Chúng tôi đề nghị giám đốc sở cho ra đề 2 thành phần điểm: Làm văn và Tiếng Việt. Vì nhận thấy, không phải học sinh nào cũng có năng khiếu để viết tốt bài nghị luận, ngược lại, có những em năng lực viết tuy yếu, nhưng rất chăm học bài, song việc ra đề chỉ có một câu nghị luận, không đánh giá được tinh thần, công sức học tập của các em. Giám đốc nói, hay đấy, nhưng mới quá, bảo chúng tôi làm công văn xin ý kiến Bộ. Nhận được công văn, Bộ phúc đáp, với 2 nội dung: 1). “Đồng ý đề nghị thí điểm của Sở về cấu tạo đề thi tốt nghiệp PTCS môn Văn – Tiếng Việt”; 2). “Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp PTCS, Sở giáo dục phải tổ chức rút kinh nghiệm để đi đến kết luận cách ra đề nào là tốt nhất, đánh giá được chính xác trình độ và năng lực môn Văn và Tiếng Việt của học sinh và báo cáo về Bộ (Vụ Giáo dục Phổ thông)(1). Thi xong, chúng tôi gửi đề – đáp án và kết quả thi cho Bộ. Hè năm đó, Bộ cho đăng đề trên “Tạp chí phổ thông” và giới thiệu đây là đề thí điểm của Sở Giáo dục Thuận Hải, đề nghị các sở bạn tham khảo. Không ngờ những năm kế tiếp, hình thức ra đề này được nhân rộng, rồi từ Bộ đến các địa phương tiếp tục ra đề từ 2 câu trở lên. Có Sở ra 2 câu, nhưng cả hai câu đều yêu cầu nghị luận về văn học, chứ không dành kiểm tra kiến thức phần tiếng Việt. Một thời gian sau, chúng tôi thấy trên báo – tạp chí có cuộc tranh luận của 2 sở Giáo dục lớn nhất nước giành bản quyền về hình thức ra đề kiểu này, không ai chịu nhường ai. Lúc ấy, chúng tôi tìm lại công văn của Sở xin ra đề thí điểm và công văn phúc đáp của Bộ, nhằm góp thêm tiếng nói vào cuộc tranh luận này, nhưng hồi ấy chưa học quản lý ISO, hồ sơ xếp không khoa học, tìm mãi không ra, nên im lặng. Mãi đến 26 năm sau, khi sắp xếp lại toàn bộ hồ sơ để bàn giao chuẩn bị về hưu, bất ngờ chúng tôi phát hiện ra công văn ấy – nhưng hồi đó công văn đánh máy trên giấy pelure, nay ố vàng, mực phai, chữ mờ, nhất là công văn gửi xin Bộ, chỉ còn dạng hình dấu chữ.  

Cái mới thường bị tấn công

Năm 2006, yêu cầu đổi mới, khi chúng tôi ra đề bài luận văn tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT chuyên, chỉ nêu đề tài, không nêu câu lệnh, để học sinh tự do trong cách cảm nhận, trình bày, diễn đạt. Đề ra: “Cây chuối ở Việt Nam”, nhằm hướng cho học sinh phải biết quan sát, ghi nhận, không hời hợt, thờ ơ với những gì mà hằng ngày chúng luôn tiếp xúc. Thấy cách ra đề khác trước, dư luận lại xôn xao, khen chê có đủ. Vừa thi xong – chưa chấm, một thầy ở trường chuyên nói với chúng tôi, có một phụ huynh lên gặp anh than thở: Thằng con tôi chắc rớt mất rồi thầy ơi! Hỏi bài chưa chấm sao biết rớt? Ông ta lắc đầu: Chết thật, ngay cạnh giếng nước trong vườn nhà có mấy bụi chuối, thế mà nó tả: Cây chuối nhà em hai người ôm không xuể, vào những trưa hè nắng nóng, em thường leo lên cây hóng mát… Sau khi chấm bài xong, có giám khảo kể, có em còn nói thân chuối dùng để xẻ gỗ làm nhà. Cá biệt là thế đấy, hời hợt, thờ ơ,… chứ nhìn tổng thể, nhiều em viết về cây chuối rất hay.

Thời điểm ấy, các sở bạn cũng tìm cách đổi mới ra đề, gặp những người chưa bắt kịp, đưa lên công luận, phê bình gay gắt. Còn nhớ, dịp Bộ tổ chức tập huấn thay sách, anh Vũ Nho(2) chia sẻ: Có lần, Sở Giáo dục HP muốn đổi mới nội dung đề thi tuyển sinh vào trường chuyên nhằm chọn được những học sinh có năng lực, nên nhờ anh ra đề. Trong đề nghị luận, anh trích lời của ông giáo nói với lão Hạc trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao: “Không bao giờ nên hoãn sự sung sướng lại”, yêu cầu học sinh dựa vào truyện để bình. Học sinh thi xong, đem đề về nhà, số giáo viên ôn thi bị “trật tủ”, bất bình, đưa đề lên báo địa phương, nêu đủ thứ quan điểm, gây dư luận phản ứng. Trong những người tham gia phê phán, không ít người chưa đọc qua truyện “Lão Hạc” trong chương trình. Đến khi kết quả chọn được những học sinh thực sự có năng lực vào trường, nhiều người mới vỡ ra, dư luận lắng xuống, rồi rơi vào quên lãng.  

Bây giờ nhớ lại, nhiều khi tưởng như “trên đe dưới búa”, nhưng lại thấy vui nhiều hơn buồn.

Võ Nguyên

(1): CV số 2007/GDPT ngày 25/4/1991 do ông Nguyễn Tiến Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông ký; (2): PGS TS, khi ấy anh phụ trách môn Ngữ văn THCS ở Bộ.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Khó quên khi sống với nghề