Theo dõi trên

La Gi: Bài toán ngăn chặn ngư dân xâm phạm lãnh hải

10/04/2019, 09:57

BT- Chủ tàu cá bị tiêu hủy phương tiện, thuyền trưởng phải ngồi tù, nộp phạt, thuyền viên bị giam giữ nơi đất khách. Đó là những chế tài của nước sở tại khi tàu cá Việt Nam đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài. Mặc dù tỉnh cũng có rất nhiều chế tài cứng rắn khác, nhưng một bộ phận nhỏ ngư dân La Gi đã bất chấp “nhắm mắt” làm liều, với mong muốn làm giàu trong một, hai chuyến biển để rồi sau đó, họ lại bị mất hết tài sản và tay trắng trở về. 

                
   Tàu thuyền công suất lớn ở La Gi.

Nhiều tàu có màu sơn lạ

Trò chuyện với ông Hoàng Thái Hồng - khu phố 5 - phường Phước Hội hành nghề câu khơi gần 20 năm nay. Nhắc lại chuyến biển bị lực lượng Indonesia bắt giữ vào năm 2008 vì vi phạm vùng biển nước này, ông Hồng vẫn còn ám ảnh. “Do mãi bám theo luồng cá, lúc đó lại không nắm rõ thông tin ranh giới vùng chồng lấn nên tàu cá của gia đình vô tình xâm phạm lãnh hải”, ông Hồng cho biết. Bị mất toàn bộ tài sản, ông Hồng và các thuyền viên còn bị phạt tù. Trắng tay trở về, ông phải gầy dựng lại từ đầu, đó là bài học đắt giá nhất mà gia đình ông nhận được và không bao giờ dám tái phạm.

La Gi là địa phương trong tỉnh có số lượng tàu cá xâm phạm lãnh hải nhiều nhất. Trong năm 2018, toàn thị xã xảy ra 9 tàu/63 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, trong đó Malaysia bắt giữ, xử lý 2 tàu cá/14 lao động, Thái Lan bắt giữ 4 tàu cá/29 lao động, Indonesia bắt giữ và xử lý 3 tàu cá/20 lao động. Đặc biệt, đầu năm 2019 (17/1/2019), có thêm 1 tàu/7 lao động phường Phước Hội bị lực lượng Malaysia bắt giữ. Hiện các ngư dân này đã được lực lượng chức năng nước ngoài trả về địa phương. Được biết, những tàu cá khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài chủ yếu là tàu cá hành nghề câu khơi, tập trung ở phường Phước Hội, Phước Lộc, Bình Tân, các xã Tân Tiến, Tân Phước.

Do vùng biển vi phạm được mở rộng, một số tàu cá khi bị bắt giữ cố tình che giấu thông tin, tự ý liên hệ với cơ quan chức năng nước ngoài để chuộc tàu và thuyền viên của mình về nước, nhằm trốn tránh kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng thị xã. Một số tàu khác trong diện nghi vấn thường xuyên neo đậu và hành nghề tại các tỉnh miền Tây Nam bộ như Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu… Trước tình hình phức tạp đó, Đồn Biên phòng Phước Lộc, Công an thị xã, UBND các xã phường đã tổ chức điều tra, rà soát, thống kê kịp thời phát hiện 28 tàu cá có màu sơn thân tàu và cabin không giống với màu sơn truyền thống; 39 tàu cá thường xuyên neo đậu, hoạt động tại vùng biển các tỉnh miền Tây có nguy cơ cao vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp vùng biển nước ngoài. Qua đó đã mời gọi, khuyến cáo, răn đe, đến nay các tàu cá có màu sơn lạ đã thực hiện việc chuyển đổi ngành nghề và sơn lại màu sơn.

Đặc biệt, Công an thị xã đã phát hiện bà Nguyễn Thị Mỹ Linh – khu phố 7 – phường Phước Hội nhận tiền của chủ phương tiện tàu cá hứa hẹn sẽ hợp đồng, làm thủ tục xin cơ quan chức năng của Malaysia cấp giấy đăng kiểm cho phương tiện của ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trong vùng biển của Malaysia.  

Lắp thiết bị giám sát hành trình

Theo lãnh đạo UBND thị xã La Gi, nguyên nhân sâu xa cũng vì lợi ích kinh tế mà các tàu cá, ngư dân thị xã khai thác hải sản bất hợp pháp vi phạm vùng biển nước ngoài. Hiện nay, nguồn lợi thủy sản truyền thống đang dần cạn kiệt, do đó để tăng thu nhập, một số tàu thuyền bất chấp những quy định, những cam kết để đánh bắt trái phép. Mặc dù, các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, phường đã tổ chức tuyên truyền, giáo dục, kiểm điểm, cho ký cam kết chủ tàu, thuyền trưởng nghề câu khơi vi phạm, công khai danh sách tàu cá, chủ tàu vi phạm trên các phương tiện thông tin tại chúng của địa phương, nhưng hiệu quả chưa cao, tình trạng xâm phạm lãnh hải nước ngoài cứ tái diễn.

Sau những nỗ lực tuyên truyền, thời gian gần đây đã có 50 thuyền trưởng, chủ tàu cá chuyển đổi ngành nghề từ câu khơi sang bẫy bạch tuộc, ốc hương và lồng bẫy. Ngoài ra, UBND tỉnh đã đưa 8/10 tàu cá vi phạm ra khỏi danh sách tàu cá đăng ký thường xuyên hoạt động trên các vùng biển xa theo Quyết định 48. Để xử lý dứt điểm tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, Bí thư thị xã La Gi – Phạm Văn Nam cho biết, ngoài các giải pháp đồng bộ đang triển khai như tuyên truyền sâu rộng đến các thuyền trưởng, thuyền viên; kiểm soát tại cảng các tàu cá đánh bắt xa bờ hay vận động ngư dân chuyển đổi ngành nghề phù hợp, thì UBND thị xã La Gi cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành các hướng dẫn và quy định bắt buộc chủ tàu cá khai thác xa bờ (nhất là nghề câu khơi, giã cào bay) phải lắp thiết bị giám sát hành trình và mở máy hoạt động 24/24 giờ để cơ quan chức năng quản lý, giám sát hoạt động tàu cá trên biển.

 Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
La Gi: Bài toán ngăn chặn ngư dân xâm phạm lãnh hải