Theo dõi trên

Phụ nữ tham chính: Cơ hội và thách thức

10/04/2019, 09:54

Bài 2: Tạo cơ hội cho phụ nữ phát huy năng lực và phát triển

BT- Bình đẳng giới chính là một trong những mấu chốt quan trọng nhằm đánh giá đúng vị trí và tài năng của phụ nữ, để họ tự tin tham gia vào các hoạt động xã hội…

Phá bỏ định kiến về giới

Nước ta có khung pháp lý thúc đẩy bình đẳng giới tương đối vững chắc, trong đó có các quy định thúc đẩy bình đẳng giới về mặt chính trị, thể hiện rõ tại Hiến pháp 2013, tham gia nhiều công ước quốc tế cam kết ủng hộ phụ nữ tham chính và nỗ lực giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2010 – 2020 cũng coi việc nâng cao quyền năng của phụ nữ là mục tiêu hàng đầu. Dù có những bước tiến khả quan, nhưng vẫn chưa xóa bỏ được định kiến về giới vốn đã ăn sâu trong nếp nghĩ của đa số người Việt. Đó là quan niệm “nam trưởng, nữ phó” hay phụ nữ “chân yếu, tay mềm”, thiếu kiên quyết, dứt điểm trong việc đưa ra quyết định. Phụ nữ chỉ cần làm tốt thiên chức của một người vợ, người mẹ trong gia đình, điều này dẫn đến tâm lý an phận, triệt tiêu ý thức phấn đấu của chị em. Thậm chí ngay cả bản thân phụ nữ cũng thiếu tự tin về khả năng lãnh đạo của mình và ít tin tưởng, ủng hộ nhau phát triển.  

Bà Nguyễn Thị Phúc – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận dẫn chứng, trong một loạt danh sách ứng cử vào HĐND các cấp, người ta thường chọn đại biểu là nam giới hơn. Bởi vẫn còn quan niệm cố hữu: năng lực phụ nữ còn hạn chế nên ít nhiều ảnh hưởng khi tham gia đóng góp vào nội dung quan trọng của địa phương. Thậm chí một số đại biểu nữ khi trúng cử chưa thực sự nỗ lực vượt qua bản thân, ít nghiên cứu, học hỏi nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để hoàn thành tốt vai trò đại diện của mình. 

Cần những giải pháp đồng bộ

Khắc phục những khó khăn trên, nhiều đại biểu nêu rõ quan điểm cần có những giải pháp mang tính đột phá và phải được triển khai một cách đồng bộ. Đó là sự vào cuộc, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cấp Hội Phụ nữ và sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân đội ngũ cán bộ nữ.

Bà Nguyễn Thị Lý – Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng: Trong giới thiệu ứng cử và tự ứng cử, trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan. Việc giới thiệu số lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của cơ quan, đơn vị. Trong quá trình tham gia vào cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 cho thấy, quá trình giới thiệu người ứng cử là nữ, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cấp ủy, công đoàn, nữ công rất quan trọng. Một khi các chủ thể này nhận thức đầy đủ quan điểm về bình đẳng giới thì sẽ giới thiệu cho MTTQ những người không những bảo đảm đủ tiêu chuẩn nói chung theo quy định pháp luật về bầu cử, mà còn là người nổi trội, xuất sắc trong tập thể, trong danh sách những người được giới thiệu. Chỉ như vậy MTTQ mới có đủ điều kiện để hiệp thương, lựa chọn người ứng cử là nữ nổi trội đưa vào danh sách ứng cử.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp trong quá trình dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử cũng cần quán triệt sâu sắc chủ trương bình đẳng giới. Các cơ quan, đơn vị được dự kiến phân bổ người ứng cử phải là nơi có điều kiện để có thể giới thiệu người ứng cử là nữ. Việc giới thiệu phải bình đẳng như nhau, có vị trí chức danh tương đương nhau, khắc phục tình trạng giới thiệu cơ cấu nữ với nghĩa “làm đệm” cho nam hoặc cho cán bộ lãnh đạo.

Thực hiện vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Hải Yến khẳng định: Hội sẽ tăng cường phối hợp tuyên truyền về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức về công tác cán bộ nữ, về quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, góp phần xóa bỏ định kiến giới. Chủ động, tích cực phát hiện, giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các ngành. Đồng thời phát huy vai trò của mặt trận và các đoàn thể trong tham gia giám sát, phản biện xã hội về chính sách liên quan đến công tác cán bộ nữ.

 Năm 2019 và những năm tiếp theo là giai đoạn quan trọng để chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Để tạo điều kiện cho nữ giới tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội, tăng tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử, Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An chỉ đạo: Các cơ quan, đơn vị cần xây dựng, phát triển đồng bộ, có tính kế thừa liên tục trong xây dựng cán bộ nữ. Hàng năm rà soát, bổ sung quy hoạch gắn đào tạo nhân sự nữ đảm bảo số lượng, chất lượng; phát hiện nhân tố tích cực, có triển vọng để chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới. Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đạt tỷ lệ 25% trở lên. Cùng với đó kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo trong công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Bản thân chị em phụ nữ cũng phải nỗ lực và tận dụng mọi cơ hội để nâng cao trình độ, kỹ năng, tham gia nhiều hơn vào hoạt động cấp ủy, cơ quan, đơn vị để khẳng định vị trí của mình và xóa bỏ định kiến về giới.

    
     “Để phụ nữ tham gia   lãnh đạo được tốt thì điều kiện kinh tế xã hội cũng phải được cải thiện,   tạo thêm thuận lợi cho chị em. Ngoài ra sự ủng hộ của những thành viên   trong gia đình, đặc biệt là người chồng, sẽ là động lực để phụ nữ tự tin   thể hiện hết năng lực”,   bà Nguyễn Thị Phúc – Phó   trưởng đoàn Đại biểu Quốc   hội đơn vị Bình Thuận nhấn mạnh.

 Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phụ nữ tham chính: Cơ hội và thách thức