Theo dõi trên

Sách và nỗi lo không có thư viện!

15/03/2019, 09:11

Rất khó mua sách

Bạn ở thành phố Hồ Chí Minh ra, nói: “Muốn mua vài cuốn sách đọc nhưng không tìm ra nơi nào ở La Gi bán sách!”. Là người trưởng thành ở thị xã La Gi, tôi biết điều bạn nói đúng sự thật 100%, bởi từ rất lâu rồi ở thị xã này không có nhà sách đúng nghĩa. Lê Lợi, con đường chính ở La Gi,  một vài nơi treo bảng là nhà sách, nhưng chỉ bán văn phòng phẩm. Các loại sách văn học - nghệ thuật, tham khảo… hầu như vắng mặt trên kệ sách nhiều năm rồi ở địa phương này. Đó là nói về người đọc tìm mua sách, còn về sách do thư viện cung cấp thì sao? Ông Lê Ngọc Trác, nguyên cán bộ  Phòng Văn hóa - Thông tin, trong bài viết “Nghĩ về hoạt động văn hóa ở La Gi” trên báo Bình Thuận ngày 1/6/2018, cho biết: Hơn 10 năm trước, La Gi liên tục nhiều năm liền là lá cờ đầu của ngành văn hóa tỉnh Bình Thuận, nổi bật là hoạt động thư viện và văn hóa - văn nghệ. Thư viện La Gi khi ấy có trên 30.000 bản sách các loại, bao gồm văn học, lịch sử, chính trị, xã hội... Hàng ngày, có hàng trăm lượt người đến đọc. Cùng với Thư viện Trung tâm, 9 xã, phường trong thị xã đều có tủ sách. 3 tháng một lần, thư viện  luân chuyển sách mới cho các điểm đọc báo. Thế nhưng, 10 năm sau do thiếu cán bộ có chuyên môn sâu về quản lý văn hóa - thư viện; cộng với sự thiếu chú trọng đầu tư  cho Thư viện Trung tâm (vốn là cơ sở của ngành y tế, diện tích 135 m2, khá nhỏ) nên sau một thời gian sử dụng, thư viện  xuống cấp, không còn hoạt động được nữa.

Không có thư viện nên Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao thị xã La Gi tạm thời sử dụng một phòng nhỏ làm nơi đọc sách.

Sách hư hỏng phải tiêu hủy

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể Thao thị xã La Gi (TTVHTT-TT) Đỗ Vũ Ngọc Nam, cho hay: 3 năm trước khi ông nhận bàn giao, phần lớn  sách trong thư viện hư hỏng, mục nát. Vì vậy, trung tâm đã gởi Tờ trình số 150, ngày 3/11/2016, xin thanh lý sách hư hỏng, mục nát. Không lâu sau, trung tâm nhận được văn bản đồng ý thanh lý của UBND thị xã. Tiếp theo đó, ngày 20/1/2017, trung tâm nhận được Quyết định số 119 của UBND thị xã La Gi cho phép tiêu hủy 10.767 bản sách. Hiện nay, sách của thư viện cũ chỉ còn 10.384 bản, gồm 2 loại: người lớn 7.054 bản; trẻ em 3.330 bản.

Giám đốc Đỗ Vũ Ngọc Nam cho biết thêm: Năm 2016, thị xã dự tính xây lại thư viện trung tâm tại vị trí cũ, số 540 đường Thống Nhất (đối diện Trường THPT Lý Thường Kiệt), nhưng sau đó  có ý chuyển thư viện về khuôn viên Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao (mới) cũng nằm trên đường Thống Nhất. Đến nay, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao mới đã xây xong nhiều tháng, nhưng thư viện thì chưa được xây. “Không có thư viện, phải lấy một phòng nhỏ, cũ kỹ, rộng khoảng 20 m2, vốn để khai thác Internet trước đây làm phòng đọc tạm thời nên số thẻ đọc phát ra chỉ được khoảng 200 thẻ/năm (La Gi có trên  100.000 dân), còn lượng người đọc hàng ngày cũng rất thấp. Để có hoạt động, trung tâm đưa sách về tủ sách pháp luật ở 4 xã nông thôn mới và tổ chức Thư viện xanh ở vài trường tiểu học. Muốn làm hơn như bổ sung sách mới, trang bị lại các kệ sách, bố trí phòng đọc đủ chuẩn  cũng không được vì ngoài cơ sở vật chất thiếu, trung tâm chỉ được cấp 10 triệu đồng cho hoạt động thư viện hàng năm, so với  thể thao là 150 triệu đồng, văn hóa - văn nghệ là 90 triệu đồng”… ông Đỗ Vũ Ngọc Nam giải bày

Cần một thư viện đúng nghĩa 

Ở La Gi hiện nay không tồn tại khái niệm: Hệ thống thư viện, bởi 9 xã, phường mới chỉ có tủ sách pháp luật đặt trong nhà văn hóa…  So với  hơn 15 năm trước, khi mà ở từng địa phương còn Bưu điện Văn hóa, cung cấp lượng sách báo không nhiều… cho một lượng độc giả giới hạn thì là một sự thụt lùi. Bên cạnh đó, thư viện trường học, nhất là trường tiểu học, tuy là có duy trì “tiết thư viện”, vận động học sinh đọc sách trong giờ ra chơi, nhưng hiệu quả theo nhiều cô giáo nhận xét là chưa cao. Chưa kể hiện nay, không ít người quan niệm: Đã có sách điện tử, internet, cần gì có Google, nên thư viện có thì tốt, không chả sao! Đây là lý do giải thích vì sao ở La Gi  mua được cuốn sách mới, được  nghe giới thiệu những cuốn sách hay… là chuyện hiếm, tính từ 10 năm trở lại đây. 

Đọc để trực giác phát triển

Ai cũng hiểu sách, báo là kho tàng tri thức vô tận của con người. Sách góp phần nâng cao trí tuệ  mỗi một con người, giúp con người sống có văn hóa, đạo đức, văn minh. Nhờ thường xuyên đọc sách, con người được chắp cánh bay lên những tầm cao, đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong bài viết: “Bao lâu rồi ta chưa cầm tới sách?” trên Tuổi Trẻ (bản điện tử), ngày 16/1/2019 nêu ý kiến Tiến sĩ ngôn ngữ và sinh học Nga, giáo sư Tachiana Chernigovskaya nhận định con người đã chuyển sang “một kiểu văn minh mới”, nơi khối lượng thông tin nhiều đến độ đã đánh mất một phần giá trị của nó. Con người đang đứng trước tình huống mà họ cần phải xử lý nhanh, không ngừng, những khối thông tin lớn. Tuy nhiên, bà cũng khuyên, thay vì chỉ chú ý đọc sách điện tử, đọc bằng cái nhấp chuột, con người cần  đọc những cuốn sách phức tạp, nghe những bản nhạc phức tạp theo kiểu tuyến tính, từ đầu tới cuối để trực giác phát triển,  rèn luyện não.

Một địa phương nếu chỉ lo phát triển kinh tế, coi nhẹ lĩnh vực văn hóa - tinh thần, sẽ là mảnh đất tốt để các tệ nạn, lối sống vị kỷ xuất hiện. Khi đó  mọi chuyện “học tập” đều khó có kết quả tốt. Nhất là với La Gi, một thị xã được công  bố  đô thị loại 3 vào ngày 23/4/2017, chỉ đứng sau thành phố Phan Thiết của Bình Thuận…

Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sách và nỗi lo không có thư viện!