Theo dõi trên

Phóng sự: Vùng đất lắm bàu

13/03/2019, 10:24

BT- Dù hồ Sông Quao có năm hết nước, vùng 3 xã này vẫn không bị khô hạn. Vô tình đã tạo nên một vùng sinh thái riêng trong kết hợp giữa trồng thanh long và nuôi chim yến mà không nơi nào có được...

Một thời xẻ đất…

Tiếng kẻng vang lên một hồi lạnh tanh. Anh Trương Văn Đài ở Hàm Liêm mắt nhắm mắt mở, quơ chiếc cuốc ở hiên nhà ra đường hướng cánh đồng trũng Hộc Tám. Chưa ăn gì, vì sớm hơn anh đã trở dậy nhưng toàn thân nhức mỏi nên nằm lại gường, thiếp đi lúc nào không hay. Trên đường đi, nhìn ai, hỏi chuyện, thanh niên trai tráng có sức khỏe mà cũng uể oải sau hơn 2 tháng dốc sức đào xúc, huống chi anh ở tuổi 32, đã có vợ và mấy đứa con, lo cái ăn cho gia đình nặng trĩu từng ngày. Nhưng nhìn quang cảnh người ở Hàm Chính sang, Hàm Hiệp tới, Hàm Liêm dồn về vùng trũng Hộc Tám rầm rộ để đào bàu tích nước chống hạn theo chủ trương của huyện Hàm Thuận Bắc khiến sự mệt mỏi cá nhân hình như tan biến đi lúc nào không hay. Tất cả đều vì những ngày lao động công ích, tính công điểm từ HTX. Thì tất cả để mùa sau có nước, sản xuất được khoảnh lúa nào chống đói là hy vọng. Vì thế, tất cả đều ra sức. Bấy giờ đã sang tháng 3, nắng lói trên đầu, vùng trũng Hộc Tám, nơi nước dồn về cuối cùng nhưng cây cỏ ở đây không có màu xanh. Đất bời rời, khô khốc, từng nhát cuốc bổ xuống không êm ngọt mà cứ bồng lên, tương tự như bổ vào bụi tre, gốc rạ. Phải bố trí người đào, người xúc nhiều hơn người khuân đất lên bờ. Nhờ sức người đông, cùng sự quyết tâm, cuối cùng sau 2 năm thi công bằng sức người, không có chút trợ giúp nào từ máy móc, công trình tích nước tại Hộc Tám cũng xong. Dân gọi là bàu Hộc Tám, lấy tên của cánh đồng rộng trên 10 ha.

Một góc bàu Hộc Tám (Hàm Liêm).

Đó là thời điểm những năm 1983 - 1985. Ông Đài bây giờ đã ở tuổi 67 nhớ lại mà không tin sức người vĩ đại đến chừng ấy. Vì ngoài bàu Hộc Tám, dân 3 xã ở vùng tam giác anh hùng Hàm Liêm - Hàm Chính - Hàm Hiệp cùng chung sức làm, trên địa bàn từng xã còn có nhiều ao bàu lớn, nhỏ khác do chính sức dân đào xới. Ông tính trên đầu ngón tay, tại nơi ông sống có 11 bàu lớn, nhỏ. Đó là kết quả của một thời cứ nơi nào trũng thấp, có thể tận dụng để tích nước trời mưa là dân làng tập trung đào, xúc thủ công. Khát khao nước đã thắng những cơn đói vàng mắt lúc bấy giờ, khi toàn vùng chỉ sản xuất 1 vụ nhờ nước trời bấp bênh. Và lúc có những ao bàu trên, dân sản xuất được 2 vụ nhưng chỉ ở các vùng ruộng trũng thấp, còn ruộng ở trên cao thì vẫn bỏ hoang gần như cả năm. Phải 10 năm sau, năm 1995 khi có hồ Sông Quao cùng hệ thống kênh phủ khắp thì vùng 3 xã mới “thay da đổi thịt” thực sự.

Không chỉ có thanh long

Bây giờ  đang tháng 3, nhưng dạo quanh vùng 3 xã này không có cảnh nắng lói da thịt như những gì ông Đài miêu tả khi xưa, mà là cảm giác mát rượi từ hơi nước tỏa ra. Chỉ lòng vòng đoạn đường mà bên này của Hàm Chính, bên kia Hàm Liêm đã thấy 4 bàu nước mênh mông nằm hai bên như so găng độ lớn nhỏ, nhiều ít nước. Nhà yến cũng thế, bên này, bên kia mọc lô nhô, cái nào cũng cao lồng lộng để thu hút chim về làm tổ. Thanh long bạt ngàn không thể phân định đâu của Hàm Chính, Hàm Liêm, Hàm Hiệp. Đang mùa trái chín, vườn nào cũng hối hả, vì giá thanh long đang lên sát nút 20.000 đồng/kg, cao hơn giá gạo gần một nửa. Và trên cao kia, chim yến từng đàn ríu ran khắp trời, chao liệng dày trên các bàu nước, cứ như cũng đang hối hả cho mùa làm tổ.

Ở vùng đất nhiều bàu này không chỉ chuyên canh thanh long tốt mà còn là vùng tập trung nuôi chim yến rộ từ 5 năm gần đây. Là tự phát nhưng vì cách xa khu dân cư nên chính quyền cũng ngó lơ. “Nếu so sánh thì cô tính xem 1 kg yến bằng bao nhiêu ký gạo?” - chủ một nhà yến nói với tôi như khẳng định quan điểm kinh doanh lướt sóng của ông, khi các kiểu đầu tư hiện giờ đều khó bền vững nên ngại chi chuyện “chim trời, cá nước”. Thì cũng có lý, vì không ai bỏ ra mấy tỷ bạc xây nhà yến để rồi không tận dụng lại được gì, nếu như không còn nuôi yến nữa. Chắc chắn có tỷ lệ thành công nhất định. Chìa khóa vẫn là ở những bàu nước mà dân trong vùng đã đào khi xưa. Nhờ hệ thống bàu dày đặc, tích được nước nhiều, bảo đảm quanh năm nên dù hồ Sông Quao có năm hết nước, nơi này vẫn không bị khô hạn. Từ đó, yến về thường xuyên, vô tình đã tạo nên một vùng sinh thái riêng trong kết hợp giữa trồng thanh long và nuôi chim yến mà không nơi nào có được.

Nhà nuôi yến ở Hàm Liêm.

Bây giờ, Hàm Hiệp đã đô thị hóa mạnh, đã đổi thay rất rõ.  Hàm Chính cũng thế, nhờ có nước mà đã chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, nuôi chim yến hoặc cho thuê vườn nuôi chim yến nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2018 lên 32,5 triệu đồng. Hàm Liêm cũng không ngoại lệ, đã ở mức thu nhập bình quân năm 33,7 triệu đồng, hiện toàn xã chỉ còn 137 hộ nghèo trong tổng 11.000 hộ dân. Riêng nhà ông Đài ở thôn 2, Hàm Liêm bây giờ đã đạt chuẩn giàu. Ông cười hồn hậu đúng chất nông dân khoe: “Nhà có 1,3 ha thanh long được trồng theo 3 đợt và vườn có một ao nước rộng 300 m2. Trước tết bán được 3,5 tấn trái, giá 15.000 đồng/kg. Mới hôm kia, cũng thu được 3,5 tấn trái bán được giá 17.000 đồng/kg. Đợt này chong đèn bị “gãy”, nếu không cũng thu về được 5 tấn trái, cầm chắc 85 triệu đồng. Nhưng thôi, thua keo này bày keo khác. Lâu nay vẫn thế mà!”. Sự bình thản của ông trước biến động giá cả, mùa vụ trồi sụt cũng lý giải vì sao năm nào từ khi có nước, ông đều được xã công nhận là nông dân sản xuất giỏi. Và trong cái cách ông khoe, đâu đó cũng thấy rõ sự hãnh diện về tích nước.

Như là báu vật...

Nghe chuyện ông Đài khoe vườn có ao nước 300 m2, Lê Minh Hưng, Trưởng Trạm Khai thác công trình thủy lợi Phan Thiết, người dẫn tôi đi tham quan các ao bàu ở vùng tam giác không ngạc nhiên. Hưng, thế hệ 8X, là dân Hàm Chính chính cống, nói như một sự chiêm nghiệm từ tuổi thơ: “Đó là cách nói ra tự nhiên cứ như hằn vào tiềm thức phải tích nước của từng người dân ở đây vậy. Đó là lý do, theo thời gian, những ao bàu trên chỉ rộng ra chứ không hề bị thu hẹp, dù vùng ven đô này có quá trình đô thị hóa không chậm và cả khi hồ Sông Quao xuất hiện với hệ thống kênh phủ nước gần khắp vùng. Khi một số bàu chuyển về cho đơn vị thủy lợi quản lý được tu bổ, củng cố đã tạo ra bàu lớn có sức chứa từ 500.000 - 800.000 khối nước, chỉ ít hơn một chút so với lượng nước chứa tại 2 hồ Cẩm Hang (1,2 triệu khối), Cà Giang (1 triệu khối) do Nhà nước đầu tư trên địa bàn xã Hàm Hiệp. Nhờ vậy, để bây giờ Hàm Liêm nổi bật có bàu Hộc Tám, Găng Làng, Bà Niên… Hàm Chính có các bàu như Giếng Cỏ, Bông Dâu, Bàu Thiểm… Hàm Hiệp có bàu Sẻ, hồ Cẩm Hang, hồ Cà Giang…”.

Cũng qua Hưng, tôi nhận ra chính hệ thống những bàu mà một thời ông bà bụng đói mà phải đổ mồ hôi, nước mắt đào xới thủ công không chỉ có giá trị lúc đó, mà còn vô giá trong hiện tại. Thực tế, dù các hồ thủy lợi lớn đã hình thành nhưng với điều kiện khí hậu, đất đai ở tỉnh thì chuyện hồ hết nước là bình thường, nhất là vào mùa khô. Việc tích nước tại chỗ bằng cách mỗi hộ gia đình đều đào ao chôn nước tại vườn nhà đã được khuyến khích 2 - 3 năm trước, khi ngành nông nghiệp ý thức biến đổi khí hậu đã tiến sát bên mảnh ruộng, vườn cây. Trong cảnh ấy, bỗng nhiên người dân ở vùng tam giác này phát hiện nơi mình ở đang có những báu vật do chính họ tạo ra vào thời trai trẻ, có sức khỏe. 3 xã đều nằm cuối tuyến kênh chính Sông Quao, chính nhờ các bàu này tích nước và thêm mỗi nhà tự đào ao mà bao lâu nay, 3 xã này không thiếu nước. Vườn thanh long nhà ông Đài cũng thế. Ngay những lúc chong đèn bị thất thu, vườn ông cũng có lượng trái hàng cồ chiếm 70 - 80% sản lượng thu được. Những nhà xung quanh cũng vậy. Trái thanh long của 3 xã có tiếng cũng vì thế. “Thành công trong cuộc sống nhiều khi không đến từ may mắn do thiên nhiên ban tặng mà phải đổ công sức” - câu nói của ai đó khiến tôi nghĩ miết suốt trên đường về.      

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phóng sự: Vùng đất lắm bàu