Theo dõi trên

Nước ngầm đã tích trên chiến khu xưa

08/03/2019, 15:31 - Lượt đọc: 24

BT- 4 năm (2015 - 2018), cả xã Hồng Phong trồng trên 1.100 ha rừng, phủ một phần đất trống đồi trọc

Con đường từ ngã ba Tà Zôn (xã Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc) dẫn về chiến khu xưa xã Hồng Phong của huyện Bắc Bình trước đây là con đường nhỏ hẹp, bụi mù trời,  không hề có nước, hai bên đường toàn cây bụi, cây lá kim. Thỉnh thoảng, gặp vài người đi lại trên đường. Đó là các chị, các mẹ ở Hồng Phong đi chợ cho cả tuần, nửa tháng, hoặc đi bán những thứ lặt vặt nhà quê có được.  Tất cả đều gánh, chạy lúp xúp mong sao hết đường dài, dưới cái nắng gay gắt. Có thể nói con đường này gần như không có ô tô  đi lại. Trước đây, từ trung tâm huyện Bắc Bình muốn về Hồng Phong, người ta thường theo đường từ Hòa Thắng xuống. Còn ở Phan Thiết cũng theo đường ngã ba Lương Sơn,  đi vào.

Thế nhưng, mọi chuyện hôm nay đã khác. Từ ngã ba Tà Zôn về xã Hồng Phong hôm nay, đường  trải nhựa phẳng lỳ, nhà cửa mọc san sát hai bên đường. Tính từ Triền, thôn xa nhất của Hàm Đức trở đi, đã xuất hiện những khu vườn xanh, những trang trại dừa, chanh dây, chuối, mãng cầu và cả  những trang trại chăn nuôi… bên cạnh những cánh rừng. Chưa hết, ngoài quán xá, còn có một trạm dừng chân cho du khách với bồn hoa, thảm cỏ xanh bên hiên trạm. Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế của xã Hồng Phong Huỳnh Đông Dược giải thích: “Có rất nhiều dự án kinh tế đang thực hiện tại Hồng Phong. Từ Triền về đến xã, anh gặp nhiều cánh đồng xanh là vậy”. Lúc này  là tháng 2, mưa chưa tới nên lời giải thích của Dược ấn tượng biết bao! Đó là màu xanh của cây trồng chứ không phải là màu xanh của cây cỏ nhờ có mưa. Có một điều thật ấn tượng, là ở đây, trên con đường này, chủ các dự án đã sử dụng nguồn nước ngầm để bơm tưới cho cây trồng của mình, khi mà nước của kênh đưa nước hồ Đại Ninh chưa về đến đây.  Điều gì làm Hồng Phong thay đổi đến vậy?

Một trang trại chanh dây trên đường về Hồng Phong, nơi trước đây chỉ toàn cây lá kim, bờ bụi.

Huỳnh Đông Dược bảo: “Toàn xã có  8.721 ha đất tự nhiên, trong đó có 7.533 ha đất nông nghiệp nhưng đa phần cằn cỗi,  không chủ động nước. Cả xã quanh đi quẩn lại chỉ dựa vào cây mì, cây dưa lấy hạt,  nuôi một số gia súc có sừng nhưng trọng lượng con rất thấp vì thiếu đồng cỏ. Chính vì vậy, sau những tìm tòi, được cấp trên gợi ý, Hồng Phong xác định: Cần trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc để cải tạo đất, chống sa mạc hóa, đồng thời phát triển kinh tế lâm nghiệp, thay vì dựa hết vào nông nghiệp. Đầu năm 2015, Hồng Phong ban hành kế hoạch trồng rừng  giai đoạn 2015 - 2020, sau khi tranh thủ sự hỗ trợ của Chương trình trồng cây phân tán tỉnh Bình Thuận và Chương trình UN-REDD Việt Nam (Chương trình hợp tác của Liên Hiệp Quốc  về giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng ở các nước đang phát triển). Sau đó, UN-REDD hỗ trợ cây giống và vật tư; chương trình trồng cây phân tán hỗ trợ giống keo giâm hom, còn người trồng rừng tự lo phân hữu cơ... Cùng với đó, xã tổ chức nói rõ mục đích của việc trồng rừng trong dân, tạo nên phong trào chung trong xã. Kết quả năm 2015, cả xã trồng được 426 ha rừng keo trên các trảng trống, đồi trọc, trước đây cho năng suất cây trồng thấp. Năm 2016, tiếp tục trồng thêm 320 ha rừng. Năm 2017 - 2018, trồng 445 ha rừng. Trong đó có 100 ha là rừng cây hỗn giao, gồm keo giâm hom và cây giáng hương. Tính chung đến nay đã trồng được trên 1.100 ha rừng”. Chuyện của Phó Chủ tịch Huỳnh Đông Dược không khỏi làm cho tôi tò mò vì  giáng hương là loại cây cho gỗ quý, phải nhiều năm mới đến tuổi khai thác và làm cách nào để giữ  khi cây đến tuổi khai thác làm hàng mỹ nghệ? Dược tiếp tục giải thích: “Với rừng hỗn giao, xã bố trí trồng tập trung 100 ha tại thôn Hồng Trung, do 19 hộ đăng ký.  Mật độ 1.750 cây/ha, gồm 1.500 cây keo lai và 250 cây giáng hương, theo cách: 3 hàng keo giâm hom xen 1 hàng giáng hương. Khi cây chưa khép tán, dân trồng xen canh cây màu, đồng thời qua đó bảo vệ keo và cây giáng hương. Nhờ chuẩn bị hố trồng trước, lót phân hoai trước, chờ cho mùa mưa tới (ở Hồng Phong là tháng 6, 10 và mưa không đều), mới xuống giống nên tỷ lệ keo lai sống trên 90%, giáng hương là 80%”.

Trang trại trồng dưa lưới trên đất Hồng Phong. Ảnh: Ngọc Lân

Qua cách  kể chuyện của Dược, cho biết: Trong 3 năm gần đây, diện tích rừng trồng của Hồng Phong tăng nhanh hàng năm. Phần lớn đất lâm nghiêp, nông nghiệp được phủ xanh. Đã khắc phục bước đầu tình trạng hoang hóa, nguy cơ sa mạc hóa… Dược nói: “Không thể không vui vì khí hậu vài khu vực trong xã có sự thay đổi. Lượng mưa 2 năm gần đây tăng dần theo năm, từ 100mm-200mm. Hồng Phong, từ cán bộ đến dân đều tỏ lòng cảm ơn sự giúp đỡ của Chương trình trồng cây phân tán của tỉnh và Chương trình UN-REDD Việt Nam”... Chuyện của Huỳnh Đông Dược sẽ còn kéo dài nữa nếu anh không nhận được cuộc gọi đi họp về  chương trình phát triển kinh tế của xã.  Trước khi đi, Dược không quên gới thiệu tôi thăm một dự án trồng dừa của một người dân Phan Thiết trên đất Hồng Phong, với niềm tin: Trong tương lai gần, Hồng Phong mỗi ngày một xanh bóng cây và dĩ nhiên cây rừng càng nhiều lên, nước ngầm càng tích lại nhiều. Trước mắt là cảnh tượng người làm dự án trang trại đã và đang khai thác nước ngầm tưới cây như tôi trông thấy trên đường về xã.

Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước ngầm đã tích trên chiến khu xưa