Theo dõi trên

Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ

07/03/2019, 10:35

BT- Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025” đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh và người dân về tầm quan trọng của việc dạy và học ngoại ngữ. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục cũng như đội ngũ giáo viên giảng dạy bộ môn ngoại ngữ tại các trường học trên địa bàn huyện Tánh Linh. 

Hiệu quả từ dự án

Thực hiện nhiệm vụ đề án, UBND huyện đã chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ quản lý các cấp, giáo viên, học sinh hiểu rõ tầm quan trọng của dạy và học ngoại ngữ. Song song tiến hành rà soát đánh giá năng lực của giáo viên hàng năm qua đó đề xuất tổ chức bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực cho giáo viên. Thực hiện cơ chế chính sách cho giáo viên tham gia bồi dưỡng nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu dạy và học ngoại ngữ trong các trường học. Cùng với đó, tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu thiết bị dạy và học ngoại ngữ, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin. Chú trọng công tác xã hội hóa, thu hút sự quan tâm đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho sự phát triển của đề án dạy và học ngoại ngữ.

Từ khi thực hiện đề án, việc tổ chức dạy học chương trình ngoại ngữ ở trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện khá đa dạng. Trong năm 2018, chương trình dạy học tiếng Anh tăng cường ở bậc trung học cơ sở, chương trình tiếng Anh thí điểm bắt đầu từ lớp 3 (chương trình tiếng Anh 10 năm) ở 30/31 trường tiểu học. Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, huyện đã tổ chức triển khai chương trình tiếng Anh thí điểm (10 năm) từ lớp 6 ở 1 trường THCS (năm học 2015 - 2016) đến năm học 2018 - 2019 đã có 10/18 trường THCS tổ chức dạy tiếng Anh thí điểm ở các khối 6, 7, 8, 9. Kết quả năm học 2018 - 2019, có 98,5% học sinh tiểu học được học tiếng Anh thí điểm hệ 10 năm, 100% học sinh THCS được học ngoại ngữ và có 11,14% học sinh học tiếng Anh thí điểm theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.

Không chỉ số lượng học sinh được học ngoại ngữ tăng mà chất lượng giáo viên tham gia giảng dạy ngoại ngữ cũng tăng cao. Cụ thể như hiện nay có 57/59 giáo viên THCS đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu (đạt 96,6%), 4 giáo viên được trường đại học TP. Hồ Chí Minh bồi dưỡng, 1 cán bộ quản lý được bồi dưỡng tại Malaysia. Đối với giáo viên tiểu học thì có 33/33 giáo viên đạt chuẩn. 

Còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được thì huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do hiện nay kinh phí giao cho đề án còn ít, đa số các trường chưa có phòng học ngoại ngữ riêng, mua sắm các trang thiết bị dạy học ngoại ngữ, tài liệu cho dạy học ngoại ngữ trong các trường học đạt tỷ lệ thấp. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên môn tiếng Anh các cấp học trong huyện được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau nên chất lượng giáo viên còn thấp, số lượng giáo viên được đào tạo theo hình thức không chính quy chiếm tỷ lệ lớn. Nhiều giáo viên còn yếu về phương pháp giảng dạy, chưa có điều kiện tham gia các lớp bồi dưỡng, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia, người nước ngoài. Số học sinh là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chiếm số lượng đông, nhiều em còn gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt nên phần nào ảnh hưởng tới việc tiếp thu và kết quả học tập môn tiếng Anh. Chính vì vậy, để dự án đạt hiệu quả, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá năng lực của đội ngũ giáo viên tiếng Anh. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp lại đội ngũ, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu khi thực hiện chương trình mới. Đồng thời, cũng kiến nghị tăng cường kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ cũng như có chế độ hỗ trợ đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa tham gia bồi dưỡng…

 N.H



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ