Theo dõi trên

Video bạo lực - đừng để quá muộn

06/03/2019, 08:42

BT- Những ngày qua, dư luận đặc biệt là những phụ huynh có con ở tuổi thiếu nhi nơm nớp lo sợ con mình sẽ trở thành nạn nhân của một con quái vật kinh dị có tên Momo xuất hiện trong các video trên YouTube Kids, nền tảng dành cho trẻ em. Nhiều phụ huynh lên mạng xã hội kêu gọi “tẩy chay” YouTube Kids. Nhưng nếu chú ý, không chỉ có Momo, trên YouTube Kids hiện vẫn đang tồn tại nhiều video mang tính bạo lực hướng trẻ em thực hiện theo những điều xấu…

Rất nhiều bậc phụ huynh đã tỏ ra hoang mang khi thấy có sự xuất hiện bất ngờ của Momo – một nhân vật có ngoại hình vô cùng đáng sợ: mắt lồi, miệng rộng, da nhợt nhạt và mái tóc đen rối bù. Momo được lồng ghép trong các phim hoạt hình nổi tiếng dành cho trẻ em như Fortnite, Peppa Pig… và hướng dẫn các em tự làm hại bản thân mình. Do những hình ảnh này chỉ xuất hiện thoáng qua, nên hầu hết các bậc cha mẹ đều không thể phát hiện trước được. “Thử thách Momo” xuất hiện đầu tiên ở nước Anh. Những đứa trẻ sau đó sẽ bị yêu cầu thực hiện một loạt các thử thách mang tính bạo lực và tự làm hại bản thân để đạt được phần thưởng là gặp gỡ nhân vật Momo. Nhiệm vụ cuối cùng sẽ đòi hỏi người chơi phải tự tử. Tháng 7/2018, một đứa trẻ ở Argentina được cho là đã treo cổ tự tử ở sân sau nhà mình, như một phần của thử thách Momo. Một bé gái 12 tuổi và một bé trai 16 tuổi khác cũng trở thành nạn nhân của trò đùa ác độc này chỉ vài tháng sau đó. Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ, đại diện của YouTube đã phải lên tiếng trấn an trên Twitter: “Chúng tôi muốn làm rõ một điều: Chúng tôi không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào về các video khuyến khích tham gia thử thách Momo trên YouTube. Các video kích động người xem thực hiện các hành vi nguy hiểm và bạo lực là đi ngược lại với chính sách của chúng tôi”. Cho tới ngày 28/2, YouTube cũng không có bất cứ động thái nào nhằm gỡ bỏ video kinh dị trên, mà chỉ khuyên người dùng nên báo cáo video nếu gặp phải trường hợp tương tự.

Công bằng mà nói hiện nay nhiều bậc phụ huynh có thói quen thay vì dỗ con ăn hay chơi cùng con thì lại “quăng” cho con một chiếc điện thoại thông minh, hay máy tính bảng. Rồi mở những chương trình trên YouTube để dỗ con ăn hay đơn giản cho con giải trí, để cha mẹ rảnh tay làm việc nhà. Lớn lên một chút, khoảng 4 tuổi là các bé đã tự mở máy, tự mình mở ứng dụng YouTube, tự coi những chương trình mà bé thích. Không ai dám chắc những video bé thích là những chương trình có nội dung lành mạnh, nếu không có sự giám sát của người lớn. Một điều đáng báo động là YouTube hiện nay cho phép các doanh nghiệp quảng cáo trên các ứng dụng của mình. Mà phần lớn những quảng cáo trên YouTube hiện nay là quảng cáo cho những game đánh nhau, game chiến thuật, bắn súng rất bắt mắt. Điều này kích thích sự tò mò và trẻ sẽ chơi những game này cho dù độ tuổi chưa phù hợp, chưa ý thức được thế nào là ảo, thế nào là thật. Những năm vừa qua, trường hợp trẻ em gây án vì nghiện game không phải là hiếm.  Có cầu ắt có cung, không ít người hiện nay coi việc đăng các video lên YouTube là nghề kiếm sống. Và hiện nay đang có một trào lưu “người người làm YouTube”, có những người làm YouTube Partner chỉ để kiếm tiền mà bất chấp những nội dung họ đưa vào các video. Không ít những video mang tính bạo lực, trẻ nhỏ thành diễn viên tay cầm súng nhựa miệng gọi người khác là “đại ca”. Rồi cùng “đại ca” thực hiện những “phi vụ” đột nhập nhà người khác, tìm đối thủ để “xử đẹp”… Đây có thể gọi là “sát thủ thầm lặng” đang từng ngày giết chết tâm hồn non nớt của trẻ thơ, bằng những video chứa nội dung độc hại.

Máy tính bảng, điện thoại thông minh hiện nay rất phổ biến, việc cấm trẻ nhỏ xem các video trên YouTube rất khó. Để hạn chế việc trẻ xem những video có tính bạo lực, độc hại, phụ huynh nên sử dụng chức năng theo dõi các kênh chuyên đăng các video dành cho thiếu nhi có tính chất lành mạnh, định hướng trẻ học theo điều hay, lẽ phải. Các phụ huynh không nên buông lỏng, để trẻ tự mình “lạc” vào “ma trận” của các video trên YouTube. Đừng để khi bộ óc non nớt của trẻ đã bị “nhiễm” những điều độc hại trên thế giới ảo mới “nháo nhào” đi tìm hướng dạy con…       

Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Video bạo lực - đừng để quá muộn