Theo dõi trên

"Xắn tay áo" vào làm cao tốc

26/02/2019, 10:54 - Lượt đọc: 5

BTO-Tuần qua, Chính phủ đã chính thức khởi động việc giải phóng mặt bằng để làm đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, với quyết tâm hoàn thành vào năm 2020-2021 với chất lượng cao nhất.

Tuyến cao tốc này đi qua 13 tỉnh, tổng chiều dài 654 km, vốn đầu tư 118.716 tỷ đồng, tổng khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB) rất lớn. Chính phủ yêu cầu: không vì công tác GPMB mà ảnh hưởng đến tiến độ dự án, các tỉnh có dự án đi qua phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện GPMB, giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công, cung cấp nguồn vật liệu cho dự án và bảo đảm ANTT, không để xảy ra "điểm nóng".

Phối cảnh cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết. Ảnh minh họa

Riêng Bình Thuận, tuyến cao tốc đi qua dài 160,5 km, gồm các đoạn: Cam Lâm-Vĩnh Hảo 12 km, Vĩnh Hảo-Phan Thiết 101 km, Phan Thiết-Dầu Giây 47,5 km, tổng diện tích GPMB 1.179 ha, đi qua 5 huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân.

Tỉnh Bình Thuận đã cam kết với Chính phủ đẩy nhanh tiến độ GPMB, tạo điều kiện tối ưu cho tuyến cao tốc đi qua tỉnh sớm khởi công, trước tiên là đoạn Dầu Giây - Phan Thiết. Do tầm quan trọng đặc biệt, ý nghĩa, lợi ích to lớn của tuyến cao tốc này đối với phát triển KT-XH tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Bình Thuận sẽ vào cuộc với quyết tâm cao nhất, GPMB với tốc độ "thần tốc" như đã làm được trong dự án mở rộng, nâng cấp QL1A trước đây.

Nhắc lại bài học trong GPMB phục vụ dự án mở rộng, nâng cấp QL1A qua Bình Thuận năm 2014. Khi ấy Bình Thuận có tới 5 thị trấn, 7.542 hộ dân có nhà, đất nằm trên chiều dài 169 km QL1A, là địa phương có QL1A đi qua dài nhất, số hộ phải di dời nhiều nhất. Nhiệm vụ là phải vận động dân di dời nhà cửa trong thời gian ngắn, trong khi chưa có khu tái định cư, chưa nhận được tiền đền bù, hỗ trợ, nhiều hộ dân hoàn cảnh rất khó khăn.

Bài học thứ nhất là cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đồng bộ vào cuộc đầy quyết tâm, quyết liệt. Với tinh thần "mắc chỗ nào tháo gỡ ngay chỗ ấy", tổ công tác của tỉnh - huyện bám sát từng địa bàn, đề xuất kịp thời các chính sách hợp lý, hợp tình về đền bù, hỗ trợ, tái định cư; vận động dân về tạm trú nhà bạn bè, anh em; thực hiện chính sách hỗ trợ thu nhập trong thời gian nghỉ kinh doanh, chính sách khen thưởng với những hộ tháo dỡ nhà, bàn giao mặt bằng đúng cam kết; có nhiều hộ khó khăn về nhân lực, chính quyền - đoàn thể huy động lực lượng phụ giúp tháo dỡ di dời nhà cửa; có hộ vận động 1-2 lần chưa được, thì tới 5-6 lần để bà con thông suốt.

Bài học thứ 2 đó là "dân vận khéo việc gì cũng thành". Công tác tuyên truyền phải làm cho dân thông hiểu, đồng thuận mục đích, ý nghĩa của dự án, phải thật sát dân để thực sự thông cảm hoàn cảnh cụ thể của từng hộ dân bị di dời để có chính sách, chế độ hợp lý, hợp tình. Một khi dân đồng thuận thì mặt bằng được giải phóng nhanh chóng mà không có hộ nào phải cưỡng chế. Ở Hàm Tân có phong trào dân hiến đất mở rộng QL; Hàm Thuận Nam dân tình nguyện tháo dỡ nhà cửa bàn giao mặt bằng. Chợ Phú Long - một "điểm đen" TNGT, nơi có hàng trăm hộ buôn bán tràn ra sát QL mà hàng chục năm nay không di dời được. Nhưng chỉ trong một tuần lễ, bà con tiểu thương đã đồng thuận vui vẻ chuyển về khu chợ tạm để mở rộng QL khang trang. Chính phủ đã biểu dương 5 tỉnh GPMB dự án mở rộng QL 1A đúng hạn, trong đó có Bình Thuận.

Bình Thuận đang rất cần sân bay, cảng biển, đường cao tốc để "cất cánh", nhất là ngành du lịch. Toàn tình chuẩn bị "xắn tay áo" vào làm cao tốc, trước tiên là phải tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi dự án thông hiểu ý ngĩa, lợi ích to lớn dự án đem lại mà hưởng ứng, tạo thuận lợi khởi công dự án.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
"Xắn tay áo" vào làm cao tốc