Theo dõi trên

Câu chuyện khởi nghiệp của cô gái 8x

25/02/2019, 14:29 - Lượt đọc: 12

BT- Khi định kiến xã hội còn khắt khe thì khái niệm “sống với đam mê” trở thành điều xa xỉ với phụ nữ. Nhưng ngày nay, không ít phụ nữ dám vượt qua những rào cản để viết nên câu chuyện khởi nghiệp, và chị Phạm Thị Thanh Hoài là một điển hình như vậy.

                
Chị Phạm Thị Thanh Hoài.    

Dám nghĩ, dám làm

Đến thôn 3, xã Vũ Hòa, huyện Đức Linh tìm nhà nhân vật, không khó vì ở đây ai cũng biết và khâm phục tinh thần “dám nghĩ, dám làm” của Thanh Hoài. Không những làm kinh tế giỏi, chị Hoài còn là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, luôn đi đầu trong các phong trào của hội và địa phương, là tấm gương để hội viên phụ nữ noi theo. Quả thật như vậy, cô gái (SN 1984) gây ấn tượng cho người đối diện bởi nụ cười thân thiện, ngoại hình nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và sự nhiệt huyết với đam mê qua từng câu chuyện mà chị chia sẻ.

Với sở thích chăn nuôi, nhà lại có sẵn vườn, ban đầu chị Hoài tập tành nuôi heo và gà. Nhưng vài năm trở lại đây, giá heo tăng giảm không ổn định, chuồng trại lại không đảm bảo nên heo, gà bị dịch bệnh, có đợt chết gần như “trắng” chuồng. Thấy thu nhập bấp bênh, tình trạng “được mùa - mất giá, được giá - mất mùa”, chị quyết tâm tìm hướng đi mới. Mùa xuân 2014, gia đình chị đánh bắt được một con cá chình đem về thả nuôi vào lồng bè chung với cá bống tượng mà gia đình đang nuôi ở sông. Sau một năm nuôi, thấy cá chình thích nghi và phát triển nhanh trong môi trường nước ngọt, chị bắt đầu chuyển hướng tìm hiểu loài cá này. Quá trình tham khảo, nắm bắt nhu cầu của thị trường, chị mạnh dạn vay vốn mua 600 con cá chình giống và đóng 3 lồng bè nuôi trên sông La Ngà, hồ Biển Lạc. Tận dụng nguồn nước chảy quanh năm, ngoài cá chình chị còn nuôi cá bống tượng, cá lăng và một số loại cá khác.

Theo chị Hoài, hành trình đến với nghề nuôi cá không hề đơn giản. Khởi đầu do thiếu kinh nghiệm, đến mùa khô, nước cạn làm cá chết hàng loạt. Đích thân chị tự tìm tòi và áp dụng phương pháp dùng máy tạo ô xy và bơm thêm nước vào hồ để cứu cá. Trời không phụ công người, sau 18 tháng, lứa cá chình thương phẩm đầu tiên được xuất bán với doanh thu trên 540 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, lợi nhuận chị thu về gần 150 triệu đồng.

Cá chình nước ngọt sống ngoài tự nhiên được người tiêu dùng ví như là “thủy sâm”, do bổ dưỡng cho sức khỏe nên không sợ bí đầu ra. Chưa đến ngày thu hoạch mà nhiều thương lái đã tìm đến đặt mua cá với giá từ 450.000 - 500.000 đồng/kg. Chị Hoài chia sẻ: “Nuôi cá chình ít tốn công chăm sóc do cá có sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, lại có giá trị thương phẩm cao. Từ mô hình này có thể giúp chị em tiếp cận, học hỏi làm kinh tế, cùng nhau vươn lên làm giàu chính đáng”.

                
Chị Hoài và công nhân cho cá ăn trên bè.

 Ước mơ đầu năm mới

Với những thành công bước đầu, mùa xuân này nụ cười trên môi chị Hoài thêm tươi với nhiều dự định ấp ủ cho sự nghiệp của mình. Từ hướng đi đúng, chị nảy sinh ý tưởng tạo chuỗi liên kết để cho ra các sản phẩm nông nghiệp xanh và sạch, bằng cách kết hợp nuôi thêm trùn quế làm thức ăn cho cá và hướng đến loại hình tham quan du lịch sinh thái. Chị cho biết: “Mục tiêu của tôi trong năm mới là mở rộng quy mô diện tích nuôi cá, trong đó tập trung nghiên cứu nuôi cá chình trong bể xi măng và nuôi thêm trùn quế, giúp khách du lịch đến tham quan dễ hình dung hơn quy trình nuôi cá khép kín từ khâu thả nuôi, chăm sóc và thu hoạch. Đồng thời mở rộng thị trường cung cấp sản phẩm cho các siêu thị, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn huyện Đức Linh và các vùng lân cận”. 

Sau 3 năm nỗ lực không ngừng, ý tưởng “nuôi cá chình lồng bè trên sông” của chị Hoài đã đạt giải nhì hội thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh” năm 2018, do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. Ngoài ra, đây còn là 1 trong 3 đề án của tỉnh lọt vào top 20 đề án xuất sắc nhất của Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp cấp Trung ương năm 2018.

Câu chuyện khởi nghiệp của chị Hoài đã hiện thực hóa đam mê,  khẳng định vị thế của phái đẹp trong gia đình và xã hội. Tin rằng, với tinh thần chịu thương, chịu khó sẵn có của phụ nữ Việt Nam và sự hỗ trợ tích cực của các cấp hội, các ngành và các địa phương, sẽ có nhiều phụ nữ Bình Thuận tiếp tục dệt nên những mùa xuân khởi nghiệp như chị Hoài.

Khánh Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện khởi nghiệp của cô gái 8x