Theo dõi trên

Cô giáo khuyết tật dạy giỏi cấp tỉnh

25/02/2019, 08:51

BT- Tại hội nghị tổng kết giáo viên dạy giỏi THCS cấp tỉnh năm học 2018 - 2019 do Sở Giáo dục & Đào tạo tổ chức cách đây không lâu, dưới những hàng ghế bên trong hội trường là các gương mặt giáo viên xuất sắc vượt qua các vòng thi được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Trong đó, có một cô giáo khiếm khuyết cánh tay phải khiến tôi chú ý, cô là Trần Thị Kiều Oanh - giáo viên dạy văn, Trường THCS Phước Hội 1 (thị xã La Gi).

Để hiểu thêm về cô giáo “đặc biệt” này, tôi đến làm quen và được cô Oanh chia sẻ về hành trình vượt khó để trở thành một giáo viên văn dạy giỏi. Ngược dòng thời gian, cô Oanh kể lại: “Cha mẹ sinh tôi ra lành lặn, bình thường như bao người khác. Đến kỳ nghỉ hè năm lớp 4, trong một lần chơi đùa cùng bạn bè, không may tôi bị té ngã vào máy xay cá, cánh tay phải bị cuốn nát vào máy nên phải cưa bỏ”. Tai nạn khiến cô gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng không vì thế cô Oanh đánh mất ý chí và niềm tin vào cuộc sống. Ngược lại, cô càng cố gắng, tích cực rèn luyện, học tập, vượt qua khó khăn để theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo dạy văn, làm người có ích cho xã hội.  Năm 2003, cô thi đậu vào Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận ngành sư phạm Văn - Sử. Sau khi tốt nghiệp ra trường, cô được phân công về giảng dạy môn văn tại Trường THCS Phước Hội 1 cho đến nay.

Hơn 14 năm gắn bó với nghề giáo, cô Oanh luôn nỗ lực, cố gắng vượt qua số phận, cống hiến trí tuệ, tâm huyết để truyền thụ kiến thức cho các thế hệ học sinh. Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề “bụi phấn”, cô Oanh tâm sự: “Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi rất đam mê môn văn và cô giáo dạy văn chính là thần tượng khiến tôi khao khát trở thành một giáo viên. Cũng nhờ cô giáo động viên, tạo động lực nên tôi đã thi đậu vào ngành sư phạm văn và trở thành giáo viên dạy văn như mình đã mơ ước”. Môn văn là môn mà học sinh ít “mặn mà”, để tạo hứng thú, say mê với văn học đòi hòi giáo viên phải đổi mới cách dạy mới có thể “thu phục” được học sinh. Nắm rõ điều đó, cô Oanh đã không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức, tìm những phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả nhất để truyền đạt cho học sinh. Cô Oanh chia sẻ: “Để học sinh hợp tác với mình trong từng bài giảng, tôi đã  vận dụng phương pháp trò chuyện, gần gũi, tạo sự thân mật giữa cô và trò. Đồng thời, ngoài truyền thụ kiến thức nằm trong chương trình, tôi còn tìm các dẫn chứng thực tế ngoài cuộc sống để bài học phong phú hơn”.

         
      “Để    học sinh hợp tác với mình trong từng bài giảng, tôi đã vận dụng    phương pháp trò chuyện, gần gũi, tạo sự thân mật giữa cô và trò.    Đồng thời, ngoài truyền thụ kiến thức nằm trong chương trình tôi còn    tìm các dẫn chứng thực tế ngoài cuộc sống để bài học phong phú hơn”.

Tại hội thi giáo viên dạy giỏi THCS cấp tỉnh năm học 2018-2019, cô Oanh xuất sắc vượt qua 3 vòng thi. Trong đó, tại vòng 1 “sáng kiến kinh nghiệm” cô trình bày đề tài “dạy và học môn văn theo chương trình địa phương” được xếp loại giỏi. “Mục đích của tôi đến với hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh lần này không phải để đạt giải cao mà chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm làm sao giúp học sinh phát huy được tính sáng tạo, sôi nổi trong giờ học, đưa ra những ý tưởng trong tiết dạy của mình”, cô Oanh cho biết.

Với những nỗ lực trên, cô Oanh đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thị xã 2 năm liền, năm học 2015-2016 và 2017 - 2018. Mới đây là danh hiệu giáo viên dạy giỏi THCS cấp tỉnh năm học 2018-2019.

Thanh Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô giáo khuyết tật dạy giỏi cấp tỉnh