Theo dõi trên

Vỡ “huy động vốn” ở vùng quê

29/01/2019, 10:10

BT- Trong khi các chi nhánh, phòng giao dịch, quỹ tín dụng ở huyện, xã luôn trong cảnh không huy động vốn thuận lợi thì có những nơi, chỉ một người nhưng gom được số tiền lớn dễ dàng.

Những ngày cận tết này, trong khi nhà nhà lo mua sắm tết thì nhiều người buôn bán nhỏ ở chợ Bình Lâm, thôn Bình Lâm, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc không thể nghĩ đến tết. Vì mới đây, V - một người trong xã, từng huy động tiền với lãi suất cao trong nhân dân đã ôm tiền bỏ trốn với ước tính khoảng 6 - 7 tỷ đồng. Ở một ngôi chợ thôn, ở một vùng quê mà nhà nào cũng quanh quẩn với việc đồng áng, mảnh vườn thanh long, chăn trâu cắt cỏ, thế nhưng số tiền bị giật lên đến tiền tỷ là điều đáng suy ngẫm. Có thể, đó là tiền tích lũy cả một đời của những gia đình. Có thể, đó là tiền tăng lên theo cấp số nhân, vì có lãi suất quá cao tích tụ theo thời gian. Nhiều người cho biết, cứ gửi tiền cho V. thì sẽ nhận lãi liền tay và cứ thế, hàng tháng nhận lãi tương ứng. Ví dụ gửi 10 triệu đồng thì sẽ nhận liền tay từ 1 - 1,2 triệu đồng, tương tự gửi 100 triệu đồng sẽ nhận lại liền tay 10 - 12 triệu đồng. Đó là lý do chính khiến nhiều chị em có tiền tích lũy, tiết kiệm được ở đây sẵn sàng đưa cho V. không mảy may lo lắng. Hỏi vì sao không gửi tiền ở các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng, ai cũng bảo lãi suất ở đó quá thấp. Còn ở V. lãi suất cao, lại là người cùng thôn, cùng xã, nhà cửa, gia đình ở đó trốn đi đâu được. Tuy nhiên, thực tế xảy ra, V. đã trốn đi mang theo tất cả số tiền mà người thân trong gia đình V. khi bị hỏi đến đều trả lời là không biết. Đến lúc này, người mất tiền cũng chỉ tự than thân, vì không thể nhờ đến chính quyền can thiệp. Một người bị mất tiền kể, cách đây mấy ngày có bức xúc, mấy chị em kéo lên xã nhờ giải quyết nhưng một nhân viên nói thẳng khiến ai cũng thẹn. “Lúc cần đóng góp chỉ một hai trăm ngàn đồng, các chị đều bảo không có tiền. Sao bây giờ, tiền ở đâu mà có vài chục, vài trăm triệu đồng để cho vay lấy lãi cao?”. Điều đáng nói, trước đó khoảng cuối năm 2017, đầu 2018, một vụ vỡ “huy động vốn” tương tự đã xảy ra tại xã Hàm Trí, với tổng số tiền khoảng 9 tỷ đồng. Lúc ấy, tình cảnh cũng xao xác như bây giờ, nhưng đau hơn, vì người giật tiền lại làm việc tại xã. Tuy nhiên, vì lòng tham lãi suất cao nên hình như những người gửi tiền cho V. bỏ qua… Để bây giờ, vừa mất tiền lại vừa không thể danh chính ngôn thuận để đòi lại tiền về lâu dài, mặc dù về hình thức không phải là người trực tiếp cho vay  nặng lãi.

Thực tế, hình thức huy động vốn này ở các vùng quê đang diễn ra rất xôm tụ, nhất là sau khi Quốc hội thông qua Luật Phá sản ngân hàng. Vì yếu tố nhanh gọn lại tiện lợi, vì có lãi suất cao, cộng thêm người ở các vùng quê có tiền nhàn rỗi nhiều thì không nhiều lắm chưa biết lựa chọn hình thức đầu tư nào tốt hơn nên trước mắt đã tham gia vào con đường “huy động vốn” của mỗi cá nhân. Và đó là con đường thấy rất rõ rủi ro nhưng người trong cuộc lại đang “cuồng” với những khoản tiền có được trước mắt hàng tháng, để rồi mất cả gốc lẫn lãi về sau.

Hảo Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đồng chí Nguyễn Hoài Anh thăm chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), chiều 23/4, đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên địa bàn TP. Phan Thiết.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vỡ “huy động vốn” ở vùng quê