Theo dõi trên

Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về báo chí và mạng xã hội ở tỉnh Bình Thuận

28/01/2019, 15:51

 Thông tin của báo chí

BTO- Năm 2019, các cơ quan báo chí đã thông tin kịp thời, đầy đủ diễn biến đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trong tỉnh, trong nước, tình hình quốc tế, đặc biệt tuyên truyền về các nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII, các Hội nghị Tỉnh ủy và các kỳ họp HĐND tỉnh, kịp thời phát hiện và biểu dương gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong lao động và sản xuất, phát hiện và phản ánh các sự việc, vấn đề còn bất cập, kịp thời giúp địa phương chấn chỉnh, khắc phục. Hoạt động từ thiện, nhân ái được quan tâm thực hiện, góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, từ đó, nâng cao uy tín của báo chí, tạo sự gắn kết với địa phương và người dân.

Đi đôi, báo chí địa phương và phóng viên của các cơ quan báo chí tác nghiệp tại tỉnh cũng đã chủ động tham gia đưa thông tin làm rõ hơn về các vấn đề của địa phương đang được một số báo trung ương đề cập và dư luận quan tâm, góp phần định hướng dư luận và cung cấp thông tin nhiều chiều cho công chúng.

Nhìn chung, thông tin báo chí trong tỉnh và ngoài tỉnh phản ảnh về Bình Thuận trong năm 2018 có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận. Qua thông tin của báo chí đã giúp người đọc, người truy cập hiểu thêm về tình hình và sự phát triển của địa phương Bình Thuận. Tất cả đã góp phần tạo nên một bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, vẫn có tình trạng một số cơ quan báo chí chưa thực hiện đúng quy định về cử phóng viên thường trú tại địa phương. Còn có tình trạng thành lập văn phòng chỉ với mục đích phát hành báo và tìm kiếm quảng cáo. Một số cơ quan báo chí cấp khống giấy giới thiệu cho các phóng viên..

Trong tổng số gần 5.000 tin – bài đăng tải về Bình Thuận năm 2018 trên  báo Online, tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp thì số lượng bài viết có tính chất phát hiện các mô hình, nhân tố mới, hoặc có những đóng góp, kiến giải, dự báo, tư vấn, tham mưu cho tỉnh còn quá ít, phổ biến vẫn là những tác phẩm báo chí phản ánh sự việc, sự kiện. Phần lớn các báo tập trung về những vấn đề, sự việc có tính giật gân nhằm thu hút người đọc, chưa nêu được giải pháp hoặc đề xuất hướng giải quyết. Về mặt hình thức, khi có một sự việc diễn ra ở Bình Thuận, tất cả các báo, đài đều tập trung phản ánh nên có sự trùng lắp.

Thông tin mạng xã hội:

 Sự phát triển như “vũ bão” của công nghệ Internet, thiết bị truy cập đa dạng đã tạo cơ hội cho thông tin mạng xã hội (Facebook, YouTube,..) và thông tin điện tử ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Bên cạnh những tiện ích, mặt trái của mạng xã hội không hề nhỏ, ngày càng xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật, xấu, độc, tuyên truyền, kích động chống phá Đảng, Nhà nước. Công tác thẩm định, xử lý nội dung thông tin vi phạm trên các trang mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn;  khó xác định nội dung vi phạm để xử lý theo thẩm quyền.

Thực tế cũng cho thấy, trong nhiều trường hợp, mạng xã hội có tác động rất lớn trong việc tạo dựng, định hướng và dẫn dắt dư luận xã hội, đặc biệt tại một số thời điểm nhạy cảm, trong một số vụ việc mất an ninh trật tự.

Trên mạng xã hội, người ta thoải mái chê bai, thậm chí là xỉ nhục danh dự cá nhân, tổ chức mà không chịu sự kiểm soát hoặc phán xét của bất kỳ ai. Nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… trở thành nạn nhân của những dụng tâm ác ý, có chủ đích. Khá nhiều vụ tự tử xảy ra do bị lừa đảo hoặc lôi kéo trên mạng. Những trào lưu sống không lành mạnh cũng từ đó mà lây lan rất nhanh. Trong khi đó, các thông tin cá nhân cũng dễ dàng bị công bố mà không cần quan tâm tới bản quyền hay ý kiến của chủ nhân.

Thời gian qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã triển khai, chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý nội dung thông tin trên mạng xã hội; đấu tranh ngăn chặn các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật.

Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã theo dõi, phát hiện, tổng hợp báo cáo và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến việc đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống các tổ chức và cá nhân trên các trang mạng xã hội.   

Tuy nhiên, việc kiểm soát, nắm bắt thông tin, đặc biệt là các vụ việc phức tạp, điểm nóng trên địa bàn tỉnh chưa thật sự đầy đủ; kịp thời dẫn tới hiệu quả giám sát, quản lý thông tin mạng xã hội chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu mong đợi của các cấp lãnh đạo, của các cơ quan quản lý cấp trên.

Nguyên nhân do đây là lĩnh vực mới, thông tin liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong lúc các quy định của pháp luật hiện hành chưa đầy đủ, rõ ràng.  Các nội dung, bài viết, bình luận có nội dung rất khó xác định (ở ngưỡng vi phạm hoặc không vi phạm do nhận thức của từng người), không có căn cứ để đối chiếu các từ ngữ, câu từ cụ thể để ra kết quả thẩm định chính xác

Công tác giám sát, nắm bắt, tổng hợp thông tin trên mạng xã hội chủ yếu bằng phương pháp thủ công, chưa có công cụ quản lý bằng công nghệ, cụ thể là chưa có phần mềm để phục vụ công tác này. Đồng thời việc hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông chưa kịp thời, thậm chí thiếu hướng dẫn nên đã gây không ít khó khăn trong công tác quản lý thông tin trên MXH của Sở Thông tin và Truyền thông.

Những vấn đề cần thực hiện năm 2019

Về  hoạt động báo chí

Đổi mới việc cung cấp thông tin. Nâng cao chất lượng nội dung thông tin. Định hướng cho các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình và các cơ quan có ấn phẩm báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, mở các chuyên trang, chuyên mục nhằm cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện lịch sử trong năm 2019.

Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp đảm bảo duy trì họp báo định kỳ hàng tháng giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo. Tiếp tục cập nhật các báo điện tử, báo in, báo hình, tạp chí, trang thông tin điện tử viết về Bình Thuận; thông tin tình hình báo chí hàng ngày, tuần để cung cấp thông tin phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo. Cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Rà soát các hoạt động của các cơ quan báo chí trên địa bàn; hoạt động báo chí của cơ quan đại diện, văn phòng liên lạc và phóng viên thường trú tại Bình Thuận đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích.

Về thông tin của mạng xã hội

 Có thể nói, việc ban hành các văn bản pháp lý, các quy định về quản lý nhà nước, cho dù có nghiêm ngặt đến đâu, cũng không thể loại trừ hoàn toàn những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Mặt trái của mạng xã hội luôn tồn tại và không thể xóa bỏ mà chỉ có thể hạn chế nó. Giải pháp trước mắt cần phải làm, đó là:

Nâng cao nhận thức của người dân về mạng xã hội nói chung, thường xuyên làm công tác tuyên truyền, trong công tác tuyên truyền, lấy đội ngũ làm công tác báo chí và truyền thông làm đối tượng tác động trọng tâm, có ý nghĩa then chốt;

 Thực hiện công tác phối hợp kiểm tra, xác minh và xử lý thông tin báo chí; thông tin xấu, độc trên mạng; phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm, sai phạm trong hoạt động báo chí, lợi dụng báo chí để trục lợi;

Theo dõi chặt chẽ, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hoặc đề xuất UBND tỉnh xử lý các thông tin liên quan đến tỉnh mà không chính xác;

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý báo chí và Thông tin mạng XH để làm chủ không gian mạng.

Hoàng Minh Tuấn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về báo chí và mạng xã hội ở tỉnh Bình Thuận