Theo dõi trên

Giáp tết, lại lo "ma men" cầm lái

12/01/2019, 15:03 - Lượt đọc: 18

BT- Theo một nhà nghiên cứu văn hóa thì xu hướng sử dụng rượu bia tại Việt Nam hiện nay đã khác xa so với văn hóa uống rượu trước đây. Nếu như thời xưa rượu bia là để nếm và thưởng thức, thì ngày nay việc sử dụng rượu bia đã trở nên thái quá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người uống và an ninh trật tự của cộng đồng, tạo nên một nét xấu xí trong văn hóa người Việt. Đặc biệt rượu bia giờ đã được coi là đồ uống không thể thiếu mỗi khi tết đến xuân về.

Một vụ tai nạn giao thông. Ảnh minh họa

Điểm lại mấy cái tết gần đây nhất, tết nào cũng có vài trăm người thiệt mạng, vài trăm người khác bị thương tật vì tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến sử dụng rượu bia. Chưa kể mỗi tết cả nước có hàng ngàn người phải nhập viện vì say xỉn ẩu đả nhau, trong đó nhiều người tử vong. Rượu bia đã trở thành một nỗi nhức nhối của tết Việt.

Cuối năm là dịp tổ chức các cuộc vui như liên hoan tổng kết, gặp mặt tất niên và không thể thiếu rượu bia. Đây là mùa “cao điểm” ăn nhậu, lượng rượu bia tiêu thụ tăng vọt, TNGT cũng tăng đột biến. Những ngày giáp Tết Kỷ Hợi này, hàng loạt vụ TNGT thảm khốc xảy ra xuất phát từ việc sử dụng rượu bia quá đà khi lái xe khiến dư luận bàng hoàng. Đặc biệt có những “ma men nữ” cầm lái, “chân phanh thành chân ga” biến thành xe điên đâm hàng loạt người ở các thành phố lớn.

Nhằm đẩy lùi TNGT liên quan đến rượu bia, trong năm 2018 lực lượng cảnh sát giao thông cả nước đã mở 3 đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát vi phạm nồng độ cồn (đợt 1 từ 16/4 - 15/5; đợt 2 từ 16/8 - 15/9; đợt 3 từ nay đến sau Tết Kỷ Hợi). Chỉ riêng trong 2 đợt đầu, cảnh sát giao thông đã xử phạt hơn 27.000 trường hợp vi phạm. Cùng với đó là một chiến dịch truyền thông sâu rộng tới cộng đồng, tuyên truyền tác hại của rượu bia khi điều khiển phương tiện. Các băng rôn “Đã uống rượu bia - không lái xe”, “Tính mạng con người là trên hết” xuất hiện nhiều trên các tuyến đường. Nhưng như chúng ta thấy, cận tết nỗi lo “ma men” cầm lái lại ám ảnh mọi người mỗi khi ra đường.

Vì sao một hành vi coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của mình và của người khác, lại diễn ra phổ biến ở Việt Nam? Đó chính là do hình phạt chưa đủ sức răn đe, dẫn tới nhờn luật. Theo Nghị định 46/2016/ NĐ-CP hành vi say rượu lái xe chỉ bị phạt mức thấp nhất là 2 - 3 triệu đồng, cao nhất từ 16 - 18 triệu đồng.

Trước hàng loạt vụ TNGT thảm khốc liên quan đến rượu bia, dư luận xã hội đang bức xúc đề nghị pháp luật phải xử lý mạnh tay hơn. Cụ thể với hành vi lái xe có nồng độ cồn vượt mức cho phép, cần tăng mức phạt lên gấp đôi, thậm chí coi đó là hành vi giết người nếu gây TNGT nghiêm trọng. Chỉ như thế mới hy vọng răn đe được những “ma men” cầm lái, bảo vệ tính mạng bao người khác.

Trước mắt, để bảo đảm an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán sắp tới, dư luận yêu cầu lực lượng cảnh sát giao thông phải tăng cường tuần tra, kiểm soát vi phạm nồng độ cồn, thường xuyên chốt cạnh các phố nhậu, nhà hàng để xử lý các “ma men” lái xe. Đồng thời nhanh chóng kiểm tra ma túy với lái xe tải, xe container, bởi vì đứng chờ đèn đỏ cũng chết thì quá là tức tưởi.

Còn đối với chúng ta, những người hàng ngày vẫn điều khiển phương tiên tham gia giao thông, vẫn biết “nói không” hoàn toàn với rượu bia trong dịp tết tới là một điều khó, nhưng để giữ tính mạng cho chính mình và cho những người khác, mỗi người cần có ý thức tự kiềm chế, biết vui có chừng, dừng đúng lúc trong mỗi cuộc vui xuân.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáp tết, lại lo "ma men" cầm lái