Theo dõi trên

Vè thủy trình dài theo biển Bình Thuận

12/01/2019, 10:40

BT- Với địa hình bờ biển dài gần 200 km, tỉnh Bình Thuận có một lợi thế hải trình cho tàu thuyền thông suốt, xuôi ngược ra Bắc vào Nam. Đáng kể hơn hết là vai trò loại ghe bầu trong dặm dài sóng dữ, căng buồm nương gió để tạo mối giao thương từ khi những con đường quan lộ sơ khai trên đất liền chưa phải là huyết mạch cho đất nước. Cho đến thời Minh Mệnh 14 không những giới hạn phạm vi quốc gia mà còn đặt ra mục tiêu mở rộng đường biển xa hơn, vừa xuôi Nam vừa sang tận Giang Lưu Ba (Jakarta), xứ Gia Ba (Tân Gia Ba - Singapore) mà Phan Huy Chú đã ghi trong “Hải trình chí lược”. Cũng từ sự phát triển đường biển mà lưu dân từ các vùng phía Bắc, miền Trung Trung bộ vào phương Nam lập nghiệp, khai phá vùng đất mới làm nên những xóm chài, làng mạc bên cạnh những cửa sông, bãi vịnh trở thành đô hội, bến cảng sầm uất sau này…

                
Mũi Kê Gà. Ảnh: Đình Hòa

 Từ prau Mã Lai đến ghe bầu Việt

 Gắn với nghề biển, người Việt đã có nhiều kinh nghiệm chế tác thích hợp với điều kiện thời tiết, hướng gió, bến bờ. Đặc biệt với loại ghe bầu theo kiểu Chăm-Mã Lai (Prau, Perahu) dưới thời nhà Nguyễn đã sử dụng khá phổ biến trong vận chuyển hàng hóa và làm chiến thuyền. Nhưng vẫn có thể nhận ra đặc điểm “thuyền” miền Bắc và “ghe” miền Nam về kiểu dáng, cánh buồm. Ngày càng nhiều sự thay đổi lớn, đó là ghe bầu loại ba buồm có trọng tải lớn, tốc độ nhanh hơn bằng sức gió nhưng chịu được bão tố, sóng to trên đường buôn bán ngang qua vùng biển Bình Thuận với thời gian dài ngày hàng ba bốn tháng trời. Với chính sách ưu tiên ngành đóng tàu thuyền, giao lưu mở rộng ra khu vực biển Đông và thương thuyền có thể ghé đến cửa sông, bến cảng các tỉnh trong nước để dễ dàng trao đổi sản vật, hàng hóa, lúa gạo. Từ năm 1802 người An Nam đã biết đặt ra những ký hiệu thành quy ước cho người lái tàu tránh va chạm nhau trên biển. Các cửa biển Phan Rí, Mũi Né, Phan Thiết, La Gi trở thành bến cảng cho ghe bầu ghé đến mua bán thực phẩm và thu mua sản vật rừng, hải sản và nước uống, thực phẩm để tiếp cuộc hải hành. Theo tác giả Nguyễn Thanh Lợi, nghề đóng ghe bầu ở Phan Thiết - Bình Thuận là sự kết hợp kinh nghiệm kỹ thuật, kiểu mẫu của các tỉnh miền Trung có trọng tải trung bình 100 tấn. Hải trình từ Phan Thiết đến Sài Gòn phải mất khoảng 3 ngày 3 đêm nếu thuận gió, nước xuôi. Tại Phan Thiết không những là bến cảng xuất phát vận chuyển các chuyến hàng về Sài Gòn, lục tỉnh mà còn là nơi tập trung ghe bầu các tỉnh miền Trung ghé đến trao đổi hàng hóa và tránh mùa gió ngược. Theo kinh nghiệm trong nghề, ngư dân Phan Thiết rất tự tin về tài chạy “vát”, chạy “ganh” tức kỹ năng điều khiển cánh buồm có thể chạy ngược mùa gió, không phải neo đậu để chờ mùa xuôi. Chủ yếu ở Bình Thuận các mặt hàng lúa gạo, lâm sản quý, sản vật rừng và nguồn hải sản nước mắm, cá khô… Sự xuất hiện giới buôn bán bằng phương tiện ghe bầu đã mang đến hoạt động thương mại ở các vùng biển phía Nam, lục tỉnh nhiều thay đổi trong xã hội. Những người này được gọi là các lái, đồng nghĩa với vai trò điều hành, chi phối và gắn bó với chiếc ghe bầu được coi là khối tài sản lớn của chuyến hải hành.

Các lái ghe bầu

Không biết từ bao giờ, có suy đoán khoảng đầu thế kỷ XIX khi thời kỳ mới của những chiếc ghe bầu trên thương trường phát triển đã mang theo những làn điệu câu thơ bình dị, nặng tình được gọi là “Bài vè” ngấm vào đời sống ngư dân trong lao động nhọc nhằn cho đến lời ru con trẻ nằm nôi. Thực tế trong thư tịch cổ Trung Hoa, dưới thời Minh - Thanh đã có những kinh nghiệm xây dựng thành môn học kiến thức về hoạt động hải hành trên biển cả. Bài vè hải trình của Việt Nam có nội dung diễn cảm chân chất về những đặc điểm địa hình, hiểm yếu dọc dài bờ biển qua những địa danh để ghe thuyền biết tránh xa nguy cơ tai nạn ập đến giữa biển cả mênh mông… vừa thể hiện chủ quyền bờ cõi của vương triều Nguyễn mở rộng về phía Nam lãnh thổ vừa tiếp cận vùng biển Campuchia, Thái Lan… Điều khá thú vị là đất Bình Thuận chính thức thành đơn vị hành chánh tỉnh vào năm 1832 nhưng trước đó gần 150 năm khi chúa Nguyễn Phúc Chu lấy luôn phần đất Phan Lang (Phan Rang) nhưng vẫn dành một phần phía Tây cho Chiêm Thành. Những địa danh dọc bờ biển phía Bắc Bình Thuận (Tuy Phong, Phan Rí) tuy là đất bản địa của người Chăm nhưng tên gọi được xuất phát từ gốc Hán Việt hoặc thuần Việt cho thấy do giới các lái miền ngoài đặt ra từ âm ngữ địa phương. Bài vè thủy trình từ Huế vô Sài Gòn dài 182 câu (theo tập san Sử Địa số 17 - 18, Sài Gòn 1970 và các tác giả Bùi Quang Tung, Vũ Hữu San), thể thơ lục bát nhưng bài vè các lái từ Gia Định trở ngược ra Huế cũng giữ các địa danh đó với phong cách không mấy khác nhau. Mở đầu bài vè từ Huế (hát vô): “Ngồi buồn nói chuyện đi buôn/ Nói chi giải buồn là sự ngâm nga…”. Bài vè từ Gia Định (hát ra), thì: “Ghe bầu các lái đi buôn/ Đêm khuya ngồi buồn, kể chuyện ngâm nga/ Bắt từ Gia Định kể ra/ Anh em thuận hòa ngoài Huế kể vô…” và kết thúc là: “Vũng Tàu kia đã đến rồi/ Trình đồn, rồi lại thẳng nơi Sài Gòn”. Với bài vè (hát ra) do phải lần lượt theo dải địa danh nên câu chữ, gieo vần ở bài vè đã cải biên cho phù hợp theo hướng ngược ra: “Cù Mi thượng hạ song song/ La Di nằm khuất phía trong Hòn Bà/ Cây Khô, Cửa Cạn đã qua/ Trực nhìn Khe Cả nay đà kề bên…”. Không những chỉ có địa danh của các làng chài, cửa biển mà còn nhắc nhở những địa hình nguy hiểm như “Khe Gà nay đã đến nơi/ Anh em làm lễ một hồi ta qua” hay ở biển La Gi có rạn Gõ, rạn Đập, rạn Hồ... tiềm ẩn nhiều rủi ro, tai họa. Dù nói điểm cuối Sài Gòn nhưng bến cảng ghe bầu là cảng Cát Lái ngày nay. Thực ra đó phải là địa danh Các Lái đúng với ý nghĩa của nơi ghe bầu trú đậu, dân buôn các lái tập trung giao nhận hàng nhộn nhịp nhưng do lỗi chính tả, biến âm và chủ quan người viết trước đây từ “các” trở thành “cát”…

 Và địa danh xưa

Theo bài vè hát vô, đến phần biển Bình Thuận từ Mũi Dinh (Cà Ná) có những địa danh đến nay không còn nữa hoặc có nhắc đến nhưng không theo địa lý hành chánh địa phương. Các địa danh Bãi Lưới, An Hòa, Bãi Tiên, khu Ông, Mũi Chọ (Bãi Trọ - Đá Con)… thuộc đất Tuy Phong, Bắc Bình. Theo “Bình Thuận toàn đồ”, đây là phía bắc La Loan kéo dài từ Kê Lung dữ (dữ là Hòn) ngang Mũi Dinh (Cà Ná). Ở đây có địa danh Tân Lang dữ so bản đồ là Cù Lao Cau (Hòn Cau), theo nghĩa Tân Lang tức Cây Cau nhưng do người địa phương đọc chệch âm từ Cau thành Câu. Kế tiếp là Mũi Lagan phiên âm Latin từ chữ Hán là La Hàn, còn viết là La Càn, La Xa phiên âm từ tên gốc Chăm. Nhưng trong bài vè lưu truyền khá phổ biến: “Lao Cao, Cà Ná là đây/Lòng Sông, Mũi Chọ (Trọ) thẳng ngay La Gàn/Ngó vô thuyền đậu nghênh ngang/Gành Son, Trại Lưới tiếng vang làng nghề/Cửa Duồng nay đã gần kề/Lạch kia Phan Rí ghe nghề xôn xao”. Phần biển phía nam vũng La Loan theo các bản đồ hàng hải 1841 của nhà truyền giáo Taberd vẽ còn lưu giữ tại thư viện Đại học Yale (theo Phạm Hoàng Quân - 2016), trên tài liệu Hán Nôm Việt Nam ghi là Vị Nê sơn (núi Vị Nê) hoặc Vị Nê úc/ Vị chủy (mũi Vị) về sau trên bản đồ người Pháp ghi Muiné và đọc thành Mũi Né. Kề cạnh đó có Vũng Môn, Đá Dựng, Hòn Hường, Hòn Nghề, Hòn Rơm, Quảng Thí… Đến mũi Kê Gà (bản đồ Pháp ghi Kéga) xuôi nam là Hòn Lan, Cửa Cạn, Hòn Bà, tương ứng với bờ biển Tân Thành, La Di. “Hòn Bà, rạn Gõ một khi/Ngoài khơi rạn Đập, trong ni rạn Hồ…”. Đến Mũi Bà, Hóc Kiểm là thuộc biển Bình Châu - Xuyên Mộc.

Mỗi một địa danh đều có những câu chuyện dân gian khá ly kỳ và mô tả đời sống vạn chài cả về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa… trong quá trình khai phá vùng đất mới phía nam. Qua đó cũng phản ảnh lịch sử hình thành cư dân và đặc điểm địa lý tự nhiên ở đây. Nói đến Cà Ná sẽ thấy rõ dấu chân người Chăm còn lưu truyền chuyện vua Trần Anh Tông gả Huyền Trân công chúa (1306) cho vua Chiêm Chế Mân để lấy 2 châu Ô, Lý. Về sau trong một lần du ngoạn phương Nam đã từng đến suối nóng Vĩnh Hảo thư giãn mới cảm nhận được nguồn bùn khoáng diệu kỳ này. Năm 1792 người Chăm dựng đền thờ ở đây cho dân lễ bái và xin nước chữa bệnh. Vào sâu phía nam có ngọn núi Xích Khảm sơn nối dài với núi Tà Cú nhô ra biển, tạo nên địa danh Kê Úc đại sơn (núi lớn Vũng Gà hoặc là Kê Dữ - Hòn Gà), trong sách truyện Chiêm Thành, năm Chính Đức thứ 10 (1515) có ghi do bị Giao Chỉ truy bức, phải chạy đến đây. Đặc trưng vùng đất của người Chăm định cư phía bắc Bình Thuận đều có những địa danh rất dễ nhận ra như Cà Ná, Duồng, Ma Ó, Mí Thay, Cà Lon, Cà Tót… Nhưng trong bài vè hải trình hiếm thấy đề cập đến bởi lẽ cách gọi địa danh ở từ âm ngữ của giới các lái, người tứ xứ dựa theo địa hình và người Kinh bản địa. Cũng có nhiều sự tương đồng ở một địa phương có dân tộc Chăm và người miền núi K’ho, Raglai… như  Sông là K’rông (Tây nguyên), Kraung/Kroon (Chăm). Ở góc nhìn từ biển thì thời ấy cảnh quan còn hoang sơ, cây cối um tùm với ngọn đồi cát cao vẫn cho là núi, đất bazan màu đỏ coi là Xích Thổ, Hòn Hồng, Gành Son… Liên quan đến sự hình thành địa danh thường gặp khó khăn từ địa danh gốc và sự phát triển sau này do giọng nói, đọc chệch, phiên dịch, ghi chép làm thay đổi cả âm và cả nghĩa.

Qua bài vè hải trình của các lái với ghe bầu mới thấy rõ mối quan hệ này hết sức gắn bó nhau trong quá trình phát triển kinh tế biển và mở rộng giao lưu thương mại đến các vùng miền. Tuy cách thể hiện còn nhiều mộc mạc nhưng thật sự mang cả nỗi niềm, thân phận của những con người các lái, tài công, tổng khậu không thể rời khỏi con thuyền, lênh đênh trên biển suốt mấy tháng dài. Đứng trước biển bao la, sóng gió thất thường, chưa có lúc nào sinh mệnh con người lại mỏng manh đến thế và chỉ còn dựa vào một niềm tin huyền diệu nào đó: “Kim ngân lễ vật cúng dường/Lâm râm khẩn nguyện lòng thường chớ quên”. Bài vè từng đi qua các thời kỳ và tiếp tục được bổ sung các địa danh, cải sửa theo thực tế đổi thay nhưng vẫn còn nguyên giá trị một bản hải đồ, một cẩm nang cần thiết cho cuộc hải trình.

Phan Chính



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vè thủy trình dài theo biển Bình Thuận