Theo dõi trên

Xét xử vụ buôn lậu xăng dầu: Tranh cãi việc đưa phong bì không phạm tội nhận hối lộ

18/12/2018, 17:19

BTO- Luật sư cho rằng việc đưa phong bì cho cán bộ hải quan là bồi dưỡng “đã thành thông lệ từ trước”, mà không nhằm mục đích để buôn lậu xăng dầu. Riêng đại diện viện kiểm sát cho rằng, đưa tiền trước hay sau đều là đưa hối lộ.

Ngày 18/12 – ngày làm việc thứ 6 phiên tòa xét xử sơ thẩm 12 bị cáo trong vụ buôn lậu xăng dầu nghìn tỷ của Công ty CP Dương Đông Hòa Phú (gọi tắt là DĐHP) tại xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong, tiếp tục diễn ra với phần tranh luận giữa luật sư bào chữa với đại diện Viện Kiểm sát (VKS).

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Mạnh

Kết thúc phiên làm việc ngày 17/12, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án cho từng bị cáo. Theo đó, bị cáo Nguyễn Đức Mạnh (nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty DĐHP) mức án từ 9 đến 10 năm tù về tội “Buôn lậu” và từ 2 đến 3 năm tù về tội “Đưa hối lộ” (tổng hình phạt chung từ 11 đến 13 năm tù). Bị cáo Nguyễn Thanh Sơn (nguyên phó tổng giám đốc Công ty DĐHP) mức án từ 7 đến 8 năm tù về tội “Buôn lậu” và từ 2 đến 3 năm tù về tội “Đưa hối lộ” (tổng hình phạt chung từ 9 đến 11 năm tù).

Bị cáo Nguyễn Tuấn Anh (nhân viên Công ty DĐHP) bị đề nghị mức án 2 – 3 năm tù về tội “Đưa hối lộ”.

Cũng trong nhóm tội buôn lậu, bị cáo Vũ Văn Bằng (nguyên trưởng phòng kinh doanh) bị đề nghị mức án từ 6 đến 7 năm tù; bị cáo Nguyễn Đăng Duy (nguyên phó phòng kinh doanh); Nguyễn Đức Quang (nhân viên phòng kinh doanh); Đàm Văn Dương (nguyên giám đốc Công ty CP giám định World Control) mức án từ 5 đến 6 năm tù và bị cáo Lê Quang Hoàng (nguyên giám định viên) bị đề nghị từ 4 đến 5 năm tù.

Phần đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát

Đối với 2 công chức Hải quan, Chi cục Hải quan Bình Thuận, bị cáo Đinh Hữu Thùy bị đề nghị mức án từ 4 – 5 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, bị cáo Lê Văn Vinh bị đề nghị mức án từ 2 – 3 năm tù treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài ra, VKS cho rằng bị cáo Lê Hải Dương (nhân viên Công ty TNHH Đông Hưng Quốc tế) có vai trò giúp sức vận chuyển trái phép xăng dầu. Do đó, đề nghị thay đổi tội danh “Buôn lậu” như cáo trạng truy tố sang tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” với mức án từ 30 - 36 tháng tù giam. Riêng bị cáo Aleria Romel Pagente (quốc tịch Philippines) thuyền trưởng tàu BTS Christina, tuy đủ căn cứ xác định tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”, nhưng VKS đề nghị miễn hình phạt tù, chỉ phạt hành chính từ 500 – 700 triệu đồng và trục xuất khỏi Việt Nam.

Tại những ngày làm việc trước, Nguyễn Đức Mạnh khai nhận Luyện Xuân Tràng là người trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động tại Công ty DĐHP. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Luyện Xuân Tràng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố bị can, quyết định truy nã.

Trong phần tranh luận hôm nay, các luật sư bào chữa cho Nguyễn Đức Mạnh cho rằng Mạnh không có vai trò chỉ đạo điều hành toàn bộ 12 chuyến buôn lậu xăng dầu của Công ty DĐHP, mà Luyện Xuân Tràng mới là người điều hành chính nên mức án mà đại diện VKS đề nghị là quá cao đối với bị cáo. Ngoài ra, luật sư cho rằng việc đưa 10 phong bì cho cán bộ hải quan Bình Thuận là bồi dưỡng “đã thành thông lệ từ trước”, mà không nhằm mục đích để buôn lậu xăng dầu.

Tuy nhiên, lập luận này bị đại diện VKS bác bỏ vì cho rằng việc đưa tiền trước hay sau đều là đưa hối lộ, không thể so sánh giữa giai đoạn khác nhau để kết luận Mạnh không phạm tội.

Phiên tòa tiếp tục diễn ra với phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo…

 K.CHI



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xét xử vụ buôn lậu xăng dầu: Tranh cãi việc đưa phong bì không phạm tội nhận hối lộ