Theo dõi trên

Quyền cao, chức trọng càng phải gương mẫu

05/12/2018, 16:25

BTO- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng hành động nêu gương của cán bộ đảng viên và bản thân Người là một tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân noi theo. Người nói: "Một tấm gương sáng còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Người dặn dò: "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức". Trong Di chúc để lại, Người nhấn mạnh: "Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch". Thời đại Hồ Chí Minh với biết bao giông ba bão tố thác ghềnh, câu nói "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau" tuyệt đối không phải là một khẩu hiệu chính trị để hô hào, mà thực sự là lẽ sống của hàng triệu cán bộ đảng viên luôn xông lên nơi đầu sóng ngọn gió, bất chấp mọi hy sinh, gian khổ.

                
         
         Chủ    tịch Hồ Chí Minh thăm hỏi nông dân Hợp tác xã Hùng Sơn (huyện Đại    Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang gặt lúa, năm 1954 (Ảnh tư liệu)

Ghi nhớ lời dặn "nêu gương" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để ngăn chặn sự suy thoái trong Đảng, Đảng ta đã từng có Quy định số 101 (năm 2012) về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp"; Quy định số 55 (năm 2016) về "Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên". Những quy định trên đã có tác dụng nhất định trong phát huy vai trò gương mẫu, đầu tàu của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp trong công tác, đời sống và sinh hoạt.

Tuy nhiên, thực tế đang xảy ra tình trạng một bộ phận cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa thật sự gương mẫu, với những biểu hiện như: nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, có cán bộ còn trục lợi, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Có cán bộ lãnh đạo cấp cao cả đương chức và đã nghỉ hưu, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ đảng viên và nhân dân. Hàng loạt vụ đại án tham nhũng và kinh tế được đưa ra xét xử công khai cho thấy sự tha hóa của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền trong bộ máy nhà nước.

Thời đại bùng nổ thông tin trên mạng xã hội, mỗi điều tốt-xấu của người cán bộ lãnh đạo đều lan truyền rất nhanh, rất rộng đến công chúng. Có những trường hợp cán bộ "nói một đàng, làm một nẻo", miệng rao giảng đạo đức, nhưng gia đình họ có biệt phủ hoành tráng, xe hơi, con cái du học Âu, Mỹ, bản thân họ đi nước ngoài như "đi chợ"... trong lúc địa phương họ quản lý dân tình phải thường xuyên cứu đói vì thiên tai, dịch bệnh, ngành họ quản lý thì đang thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng. Những "tấm gương đen" ấy dù chỉ là số ít nhưng làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của nhân dân.

Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy án... chậm ngăn chặn, đẩy lùi. Hiện tượng "cả nhà làm quan", "cả họ làm quan" lây lan, khiến quần chúng nhân dân bất bình, tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội leo cao, luồn sâu vào hệ thống chính trị. Đó là một nguy cơ.

"Thượng bất chính, hạ tắc loạn"-Đảng ta hiểu rõ quy luật ấy. Quy định 08-QĐ/TW của Ban Chấp Hành TW Đảng khóa XII về trách nhiệm nêu gương lần này đã chỉ đích danh gần 200 ủy viên TW, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với những quy định không chung chung mà rất cụ thể về những điều được làm và không được làm. Phát biểu tại Hội nghị TW 8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nếu gần 200 ủy viên TW khóa XII từng đồng chí thực sự soi vào bản thân, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào TW Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Nhân dân bắt đầu có niềm tin vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư phát động. Nhân dân cũng đang kỳ vọng Quy định 08 của Ban chấp hành TW Đảng sẽ được thực thi nghiêm túc, hiệu quả, phát huy được vai trò giám sát của quần chúng nhân dân. Bởi suy cho cùng "Một tấm gương sáng còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quyền cao, chức trọng càng phải gương mẫu