Theo dõi trên

Phát triển ngành nghề truyền thống ở Phú Quý: Vẫn hướng về kinh tế biển

05/12/2018, 08:58 - Lượt đọc: 1,440

 BT- Do địa lý cách xa đất liền, đến nay Phú Quý chưa có cơ sở nào sản xuất các thiết bị phục vụ canh tác nông nghiệp, sản xuất kinh doanh về cơ khí nông lâm, thủy sản. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện đảo cũng chưa thành lập được các làng nghề truyền thống nên ngành chức năng đang nỗ lực tuyên truyền, khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Trong đó tập trung vận động người dân tiếp tục phát triển những ngành nghề đã có, đồng thời khôi phục lại một số nghề truyền thống của địa phương.

                
Nuôi cá lồng bè trên huyện đảo Phú Quý.

Tại Phú Quý, hiện ngành nghề truyền thống chủ yếu vẫn là hoạt động trên lĩnh vực khai thác, thu mua, chế biến, bảo quản hải sản và các dịch vụ hậu cần phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn. Do vậy việc đầu tư cho năng lực tàu thuyền tham gia đánh hải sản để phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biển của huyện đảo luôn được quan tâm. Tính đến tháng 11 vừa qua, số lượng tàu thuyền trên địa bàn Phú Quý có gần 1.400 chiếc/ 250.253 CV, riêng tàu thuyền công suất từ 90 CV trở lên là 523 chiếc/235.713 CV, trong đó có 152 chiếc/ 79.243 CV làm dịch vụ thu mua, chế biến hải sản… Ngoài ra, công tác tổ chức sản xuất theo hình thức tổ đội tiếp tục được kiện toàn, duy trì hoạt động 44 tổ đoàn kết khai thác hải sản với 486 tàu thuyền cùng 1 nghiệp đoàn nghề cá/14 tàu thuyền tham gia.

Dù cả năm 2018, sản lượng khai thác toàn huyện ước đạt 30.341 tấn (tăng 8,2% so năm ngoái), nhưng theo nhận xét của địa phương thì việc đánh bắt hải sản bằng nghề truyền thống ngày càng gặp khó khăn. Khảo sát mới đây cũng cho thấy, Phú Quý hiện có 59 cơ sở nuôi trồng hải sản bằng lồng bè với tổng diện tích gần 7.250 m2, con số này nếu so năm ngoái đã giảm 11 cơ sở/ 3.482 m2. Ước trong năm 2018, sản lượng xuất lồng cá nuôi của huyện đảo đạt khoảng 135 tấn (tăng 60 tấn so cùng kỳ), một số trường hợp còn kết hợp phục vụ du lịch để mang lại hiệu quả kinh tế cao… Tuy nhiên các hộ tham gia nuôi lồng bè nơi đây cũng có lúc gặp khó khăn do giá cá giống tăng cao, trong khi đó giá bán lại thường xuyên giảm và thị trường tiêu thụ không ổn định.

Thống kê trên địa bàn Phú Quý đã có gần 50 DNTN, công ty TNHH, HTX và khoảng 20 cơ sở chuyên thu (mua cá, cua, ốc…) và bảo quản mặt hàng hải sản mà chủ yếu là mực. Toàn huyện cũng có 3 cơ sở sửa chữa tàu thuyền cố định nhưng chỉ đáp ứng được nhu cầu kéo, sửa chữa cho khoảng 1/2 số lượng tàu công suất dưới 20 CV và 1/3 số lượng tàu công suất trên 20 CV. Vì thế số lượng thuyền còn lại phải vào các cơ sở ở đất liền để kéo và sửa chữa, làm phát sinh nhiều thời gian lẫn chi phí của người dân. Thêm nữa, các cơ sở ở huyện đảo khi thực hiện kéo thuyền còn phải phụ thuộc vào mặt bằng, thủy triều và lạch ra vào rất lớn nên không tiện cho việc kéo tàu thuyền lên bờ để tránh bão…

Bước sang năm 2019, huyện đảo Phú Quý vẫn duy trì, phát triển các nghề truyền thống mang tính chất đặc trưng như: nuôi trồng thủy sản, thu mua - khai thác hải sản xa bờ... Đây được xem là định hướng phù hợp thực tế của địa phương nhằm tiếp tục phát huy thế mạnh kinh tế biển nơi đảo xa, nhất là trong hỗ trợ đầu tư phương tiện, cải hoán tàu cá có công suất lớn. Qua đó tạo điều kiện cho ngư dân mạnh dạn vươn khơi, tăng cường dịch vụ hậu cần nghề cá trên vùng biển xa để góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển ngành nghề truyền thống ở Phú Quý: Vẫn hướng về kinh tế biển