Theo dõi trên

Hàng ngàn phương tiện quá thời hạn tạm giữ – xử lý ra sao?

03/12/2018, 09:08 - Lượt đọc: 37

BT- Theo con số thống kê mới nhất thì hiện nay toàn tỉnh đang tạm giữ gần 8.600 phương tiện (ô tô, mô tô, xe máy) vi phạm hành chính, trong đó số đã quá thời hạn tạm giữ là 7.980 phương tiện ở 11 địa điểm tạm giữ. Điều đáng nói, các phương tiện trên đã quá thời hạn nhưng chủ sở hữu bỏ mặc, theo thời gian xuống cấp nghiêm trọng đã đành mà cơ quan tạm giữ các phương tiện này cũng mệt mỏi, chưa biết xử lý ra sao.

                
   Xe máy độ, chế bị Công an TP. Phan Thiết    thu giữ. Ảnh: Đ.Hòa

Đa số các phương tiện được xác định vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, khai thác vận chuyển lâm sản, buôn bán hàng giả hàng cấm. Đáng chú ý là hơn 90% phương tiện thuộc trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Điều này cho thấy ý thức chấp hành pháp luật trong tham gia giao thông còn rất kém của một phận người dân, nhất là thanh thiếu niên. Chiếc xe là tài sản gắn với mỗi gia đình, cá nhân - là tang vật hiện hữu trong các vụ vi phạm hành chính mà cơ quan chức năng xử lý và xử phạt. Một khối tài sản trị giá không hề nhỏ, nhưng vì sao nhiều “khổ chủ” cố tình không đóng phạt, bỏ mặc cho các cơ quan chức năng phải trông coi, bảo quản.

Qua phân loại các phương tiện vi phạm cho thấy, đa số xe quá thời hạn tạm giữ có trị giá thấp, nhưng mức phạt cao so với giá trị của phương tiện. Chưa hết, nhiều xe vi phạm tạm giữ quá thời hạn do cơ quan chức năng không xác định được chủ sở hữu bởi tình trạng mua bán lòng vòng, không sang tên đổi chủ. Cá biệt có trường hợp người vi phạm khai không đúng tên, tuổi, nơi cư ngụ dẫn đến khi xác minh thông tin, cơ quan chức năng tìm không ra.

Trong tổng số 7.980 phương tiện vi phạm bị quá thời hạn tạm giữ thì chỉ có 953 phương tiện đủ điều kiện trả lại cho người vi phạm và chủ sở hữu hợp pháp. Số phương tiện quá thời hạn đề nghị tịch thu sung công quỹ nhà nước là 4.128 xe và số còn tồn đọng chưa được xử lý là 2.899 phương tiện. Tuy nhiên, thủ tục, trình tự sung công xe vi phạm còn phức tạp và mất khá nhiều thời gian. Thông thường, cơ quan chức năng phải lập danh sách, thông báo cho người vi phạm, người sở hữu hợp pháp đến giải quyết; ghi nhận số máy, số khung, nhãn hiệu; giám định số máy, số khung, khảo sát giá. Tiếp đến là thành lập Hội đồng định giá, phê duyệt giá khởi điểm, thông báo trên các hệ thống thông tin, ra quyết định tịch thu; ký hợp đồng với đơn vị bán đấu giá… mất khoảng thời gian không dưới 6 tháng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc hàng ngàn phương tiện tồn đọng trong thời gian vừa qua chưa được xử lý rốt ráo.

Để khắc phục tình trạng tồn đọng xe vi phạm kéo dài trong những năm vừa qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý xe vi phạm hành chính cần tuân thủ quy định của pháp luật. Chú ý hạn chế tạm giữ phương tiện khi vi phạm hành chính; áp dụng triệt để quy định giao tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản phương tiện theo Luật xử lý vi phạm hành chính. Cùng với đó, lấy ý kiến các ngành về việc xây dựng các kho, bãi tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính tập trung trên địa bàn tỉnh; đảm bảo các điều kiện quản lý phương tiện giao thông vi phạm đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần đồng hành với lực lượng chức năng trong tuyên truyền, vận động người thân, con em trong mỗi gia đình khi tham gia giao thông cần nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Không sử dụng phương tiện để vận chuyển, mua bán lâm sản, khoáng sản, hàng cấm, hàng lậu, tham gia đua xe để giảm thiểu tình trạng xe vi phạm bị giữ quá thời hạn nhiều như hiện nay.

Về thủ tục bán đấu giá rườm rà, mất nhiều thời gian như vừa qua, Bộ Tư pháp nên kiến nghị Quốc hội sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật hiện hành. Làm sao để các trình tự, thủ tục như tạm giữ, tịch thu, bán đấu giá theo hướng đơn giản hóa mà vẫn tuân thủ đúng luật pháp quy định.

Như NguyỄn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng ngàn phương tiện quá thời hạn tạm giữ – xử lý ra sao?