BT- “Con chỉ sợ nhất cơn đau đầu, nó kéo đến là con không thể tập trung học. Có khi trên lớp đang học con phải bỏ sách vở về nhà, con muốn ngủ nhưng không thể hết đau được…”.từng lời nói của cậu bé “chú lùn” Bùi Thiên Phú, lớp 6.6 Trường THCS Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc) nghe mà xót xa. 

Giáo viên đến thăm hỏi sức khỏe của Phú.

Chống chọi với cơn đau

Phú mồ côi cha từ khi còn rất nhỏ. Nhà nghèo, mẹ con Phú ở trong căn nhà tình thương do UBND xã xây tặng. Hôm chúng tôi đến, trong căn nhà nhỏ đơn sơ Phú đang thiếp đi sau cơn đau, bởi căn bệnh khối u não. Nghe mẹ gọi, Phú cố ngồi dậy dù nét mặt tái xanh, đôi mắt còn lờ đờ vì mệt. Mặc dù đã lớp 6, hình hài Phú chỉ như học sinh lớp 1. Cơ thể bị tích nước, thoạt nhìn dễ nhầm tưởng khỏe mạnh nhưng đó lại là biểu hiện của căn bệnh khác là rối loạn nhiễm sắc thể tuyến thận. Căn bệnh làm cơ thể Phú sẽ mãi là một đứa trẻ. Nhìn con, chị Bùi Thị Phụng - mẹ Phú không kiềm được nước mắt, giọng nghèn nghẹn: “Nó đủ bệnh, có lúc nhìn nó thấp lè tè đi cùng các bạn cùng trang lứa các bạn mà xót ruột gan nhưng không biết làm gì được”.

Qua lời kể của chị Phụng, khi mới sinh ra Phú bụ bẫm và bình thường như những đứa trẻ khác. Cháu rất chăm chỉ năm nào cũng được học sinh giỏi. Cho đến khi vào lớp 4, cô giáo chủ nhiệm đến nhà nhắc: “Phú dạo này viết sai lỗi chính tả và kết quả học tập giảm sút”. Mãi đi làm mướn kiếm sống, không có thời gian quan tâm đến con nên nghe cô nói mới biết. Trước đó, Phú cũng ói mửa, đau đầu nhưng đi khám thì bình thường. cho đến khi con nói mắt mờ, lúc ấy người mẹ hốt hoảng vay mượn tiền cho con vào thành phố Hồ Chí Minh khám. Ban đầu bác sĩ chẩn đoán mắt Phú bị teo gai thị. Phải thăm khám nhiều bệnh viện thì mới phát hiện có khối u não. “Lúc ấy cứ tưởng cháu mù vĩnh viễn rồi. Dù rất đau, còn nhỏ nhưng cháu đã biết suy nghĩ, trấn an: Mẹ đừng buồn con không có sợ đau”, chị Phụng kể.  

Vượt cơn đau đến trường

Mặc dù khối u đã cắt nhưng khối u có thể lớn bất kỳ lúc nào nên hàng tháng phải vào bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh kiểm tra. Chồng mất sớm, một mình gồng gánh nuôi con và người chị bị bệnh tâm thần, sự vất vả khiến chị cũng mang trong người nhiều bệnh. Những lúc trái gió trở trời, đi làm trong những cơn mệt lả nhưng chị vẫn cố làm lụng để có khoản tích lũy điều trị bệnh cho con. Có lúc đến ngày phải vào viện không đủ tiền chị phải chị mượn họ hàng, xóm làng. “Những lúc nhìn mẹ đi làm về mệt con buồn lắm, con chỉ ước mình không bị bệnh, học giỏi để sau này làm bác sĩ chữa bệnh cho mẹ”, Phú nói. Vì vậy, dù chống chọi với cơn đau nhưng Phú vẫn siêng học, đến trường đều đặn.

Dù chặng đường chạm đến ước mơ trở thành bác sĩ của cậu học trò “chú lùn” còn xa ngái khi đang vật vã trong từng cơn đau nhưng trong sâu thẳm vẫn thấy lóe lên một ý chí, nghị lực phi thường. Mong sẽ có một phép nhiệm màu giúp Phú có sức khỏe để thực hiện ước mơ ấy.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ước mơ của Phú