Theo dõi trên

Rau thủy canh: Thiếu vốn và nỗi lo đầu ra

30/11/2018, 10:35

BT-  Trong những năm gần đây, tình hình phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sạch, an toàn đang được nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh triển khai. Sử dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới, công nghệ tưới, trong đó có công nghệ canh tác trên giá thể không dùng đất… là hướng đi mới và bền vững cho nông nghiệp đang được một số nơi áp dụng.

 Sạch và thân thiện môi trường

Nằm ngay đường lên dốc Căng thuộc thôn Tiến Hưng, Tiến Lợi, Phan Thiết là Trại rau sạch thủy canh Hồng Mộc của anh Huỳnh Ngọc Thành. Gọi là trại nhưng chỉ tầm 1 sào được bao màng lưới, hệ thống tưới bài bản. Hiện anh đang có nhiều loại rau cải: cải tím, cải ngọt, cải ngồng hoa vàng, cải thìa, cải làn thái xanh; rau muống, rau dền… Anh Thành gốc ở Mương Mán (Hàm Thuận Nam), cũng từng trồng thanh long nhưng qua xem sách, báo, trên mạng xã hội thấy hướng đi của rau sạch có thể phát triển lâu dài nên anh về thuê đất ở đây canh tác. Mới trồng từ đầu năm nay, trung bình mỗi ngày anh thu hoạch khoảng 20 kg/ngày, giá các loại rau từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.

                
Rau thủy canh nhà anh Ngọc Thành.

Anh Thành cho biết: “Trồng rau thủy canh trong nhà lưới, cách mặt đất khoảng gần 1 m được đặt  trong các ly nhựa, mỗi cây 1 ly, ươm giống hết 10 ngày, khoảng 1 tháng thu hoạch nên cứ trồng và thu hoạch gối đầu. Trồng theo cách này rất sạch, an toàn cho người sử dụng và thân thiện môi trường. Thích nhất là không có cỏ, đỡ phải tốn công nhổ cỏ, không cỏ thì lại đỡ cả tiền công phun thuốc. Lợi cả đôi đường”.

Theo một số chuyên gia cho biết, việc canh tác trên  đất từ năm này qua năm khác, cũng như việc bón phân, sử dụng thuốc BVTV không kiểm soát hay liên tục trong một thời gian dài làm cho đất phát sinh dịch bệnh, đồng thời bị biến đổi không còn phù hợp cho việc phát triển của cây trồng. Vì vậy, các kỹ thuật canh tác trên giá thể không dùng đất gồm trồng trong chậu, luống trên các giá thể trơ bổ sung dinh dưỡng hay các giá thể hữu cơ, công nghệ thủy canh… hạn chế nhược điểm này. Được biết, từ năm 2012, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Bình Thuận (Trung tâm) đã nghiên cứu, sản xuất trồng rau thủy canh, tận dụng tối đa không gian, diện tích trong nhà lưới, vừa đáp ứng việc cung cấp rau sạch, vừa là mô hình trình diễn cho bà con đến tham quan học tập.

 Thiếu vốn, lo đầu ra

 Để có rau thủy canh phải đầu tư chi phí khá cao, nên anh Thành toàn tự mày mò chế được cái nào đỡ chi phí cái đó như hệ thống tưới. Anh Thành chia sẻ: “Thấy hiệu quả cũng ham, muốn mở rộng nhưng kẹt cái không có vốn, với đầu ra chưa ổn định lắm, chủ yếu bỏ mấy chỗ quen biết”.  Tương tự với anh Trần Xuân Thành ở Phong Nẫm cũng thế. Hai vợ chồng đều đi làm cả ngày, thấy bạn bè trồng rau sạch cũng mê nên tận dụng thời gian rảnh mới trồng rau thủy canh tầm hơn 40 m2. Anh cũng tự chế hệ thống tưới, tìm hiểu các giống về trồng. Mỗi đợt thu hoạch gối đầu chỉ khoảng 30 kg bán cho bạn bè thân quen đặt trước. Theo chị Vy - vợ anh tâm sự: “Nhà cũng muốn mở rộng vì còn đất nhưng lại kẹt vốn, với lại em cũng đang thăm dò thị trường nên chủ yếu thử bán online cho bạn bè, người quen biết đến”.

Công nghệ thủy canh tuy mức đầu tư ban đầu cao nhưng lại khắc phục được những nhược điểm khi canh tác trên đất, hiệu quả và chất lượng mang lại rất lớn. Rau thủy canh chính là rau sạch, rau an toàn nếu áp dụng đúng quy trình chăm sóc… Hiện nay trước những cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm thì hướng đi trồng rau sạch, rau an toàn, trong đó có trồng rau thủy canh là hướng đi đúng và cần sự tiếp sức của các cấp, ngành chức năng và ủng hộ của mọi người.                          

Thu Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rau thủy canh: Thiếu vốn và nỗi lo đầu ra